1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Dọa dẫm rồi lại làm hòa, căng thẳng Mỹ - Iran bao giờ kết thúc?

Mỹ và Iran hết dọa dẫm lại tỏ ý làm hòa nhưng vòng lặp ấy cứ tiếp diễn khiến người ta tự hỏi căng thẳng giữa 2 quốc gia này đến bao giờ sẽ chấm dứt?

Iran “khuấy động” vùng Vịnh, Mỹ “nóng gáy”

Mỹ và Iran từng đứng trên bờ vực chiến tranh sau khi Tehran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Washington với cáo buộc vi phạm không phận. Tuy nhiên, khoảng 10 phút trước khi 3 căn cứ của Iran nằm trong tầm bắn của tên lửa Mỹ, Tổng thống Trump đã thay đổi quyết định và hủy bỏ cuộc không kích Iran. Ông cho biết 150 người chết so với một vụ tấn công máy bay không người lái không phải một sự đáp trả phù hợp.

Dọa dẫm rồi lại làm hòa, căng thẳng Mỹ - Iran bao giờ kết thúc? - 1

Tàu Stena Impero treo cờ Anh neo đậu tại Bandar Abbas nằm ở phía nam Iran. Ảnh: AFP

Căng thẳng 2 bên chưa dừng lại ở đó khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman dù Tehran phủ nhận và gần đây nhất là việc Iran bắt giữ tàu Anh - một đồng minh thân cận của Mỹ.

Các hành động của Iran là cách để nước này gửi thông điệp tới Mỹ rằng Tehran có thể và sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt kinh tế. Iran không thể trừng phạt Mỹ, nhưng nước này cũng có "sức ép tối đa" để đáp trả Mỹ. Đó chính là khả năng đe dọa đến những tuyến vận chuyển quan trọng chạy dài từ các cảng biển ở Vịnh Ba Tư, đi qua Eo biển Hormuz và tiến vào Vịnh Oman.

1/3 lượng dầu thế giới đi qua Eo biển Hormuz. Cả vùng Vịnh và eo biển này đều khá hẹp. Một nửa phía đông bắc của bờ biển vùng Vịnh thuộc chủ quyền của Iran, nghĩa là các lực lượng của nước này có thể triển khai các tàu thuyền và hệ thống tên lửa tầm xa tấn công bất kỳ vật thể nào nằm dọc theo đường bờ biển dài hơn 1.600 km.

Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng được huấn luyện để tiến hành các cuộc tấn công với cả tàu quân sự và tàu thương mại bằng cách sử dụng các thuyền gắn motor, bom mìn dưới biển và các tên lửa chống tàu tầm xa.

Iran có thể không "chiến thắng" trong cuộc xung đột với Mỹ khi mà ngân sách quốc phòng hàng năm của nước này có thể chỉ xấp xỉ bằng một tàu sân bay của Washington song Tehran có thể gây tổn thất hàng nghìn, hàng trăm hoặc thậm chí hàng tỷ USD trong việc làm gián đoạn các hoạt động thương mại trên vùng biển chiến lược này.

Xung đột quân sự Mỹ - Iran đã trở thành một viễn cảnh "thực tế hơn" khi lần đầu tiên trong 16 năm, Mỹ lên kế hoạch triển khai quân đội ở Saudi Arabia. Theo CNN, 500 binh sĩ Mỹ dự kiến sẽ được triển khai tới một căn cứ quân sự ở phía Đông thủ đô Riyadh. Theo đó, căn cứ này có thể phục vụ các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ và các máy bay tàng hình khác.

Chiến lược “dựa dây” (rope a dope) của Mỹ

Dù vậy, Mỹ sẽ không vội “ra đòn” với Iran. Ngày 19/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã dừng 2 chiếc tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz. Một tàu sau đó đã được thả trong khi chiếc tàu mang tên Stena Impero còn lại bị Iran tạm giữ với cáo buộc vi phạm luật hàng hải quốc tế.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Iran "động vào" đồng minh của Mỹ song Washington lại không có bất kỳ hành động đáp trả quân sự nào cụ thể. Tổng thống Trump chỉ lên tiếng chỉ trích Iran và khẳng định sẽ trao đổi với Anh về vấn đề này. Sự phản hồi này của phía Mỹ dường như là một tính toán có chủ đích.

Chuyên gia David Ignatius nhận định trên tờ Washington Post rằng Mỹ đang chơi trò "dựa dây" (rope a dope).  Chiến thuật "dựa dây" (rope a dope) là một thuật ngữ trong môn thể thao đấm bốc khi huyền thoại Muhammad Ali chiến thắng George Foreman đầy bất ngờ năm 1974 với cách thức nhử cho đối phương tấn công liên tục đến khi đối phương mất sức rồi mới tung đòn quyết định.

Tướng Kenneth F. McKenzie Jr. - chỉ huy Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ đã giải thích rõ hơn về chiến lược của Mỹ với Iran trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 20/7 rằng: "Chúng tôi cần phải bình tĩnh và duy trì sự ổn định. Chúng tôi không cần thiết phải phản ứng thái quá với những gì Iran đang làm".

Ông McKenzie cho biết, khoảng 3 giờ sau khi Iran bắt giữ tàu Anh, Bộ Chỉ huy Trung tâm đã khẳng định sự tự do hàng hải trong vùng Vịnh bằng cách cử một tàu chở hàng treo cờ Mỹ mang tên Maersj Chicago đi qua Eo biển Hormuz. Máy bay không người lái và các tiêm kích của Mỹ cũng bay trên con tàu này để bảo vệ nó trước các hành động của Iran song Tehran chủ động giữ khoảng cách với tàu Mỹ.

Dù có những lúc các chuyên gia quân sự bất đồng ý kiến với Tổng thống Trump song điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra trong cuộc đối đầu với Iran. Tổng thống Trump đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế với Iran, dùng "chiến lược gây sức ép tối đa" để "bóp nghẹt" hoạt động xuất khẩu dầu vốn là xương sống trong nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, ông Trump rõ ràng muốn tránh một cuộc xung đột quân sự với Tehran, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang cận kề.

Mỹ muốn đẩy cao sức ép với Iran, song không phải bằng các hành động quân sự. Iran đang trong tình thế vô cùng khó khăn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Xuất khẩu dầu của Iran giảm 1/5 so với số lượng trước đó, từ 2,5 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 500.000 thùng/ngày. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng khiến châu Âu ngần ngại trong việc đầu tư vào Iran mặc dù một số nước châu Âu là những bên tham gia thỏa thuận hạt nhân. Iran rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ khi tăng trưởng kinh tế giảm từ 4 - 6%, trong khi người dân Iran bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ lạm phát dao động từ 40-60% và  tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 12 - 26%.

Mỹ sẽ tiếp tục "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran cho tới khi Iran không chịu được nữa thì Washington sẽ ra đòn quyết định buộc Tehran chỉ còn có thể lựa chọn ngồi vào bàn đàm phán và đi theo sự dẫn dắt của Washington.

Trò chơi co kéo Mỹ - Iran bao giờ kết thúc?

Việc Iran bắt giữ tàu Anh hôm 19/7 đã làm dấy lên những lo ngại rằng Anh, chứ không phải Mỹ sẽ dẫn đầu trong các hành động quân sự nhằm chống lại Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã nhanh chóng khẳng định rằng London không tìm kiếm một giải pháp quân sự mà sẽ lựa chọn lá bài ngoại giao. Anh sẽ tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao toàn diện với Iran, tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân và không có ý định sẽ tiến hành một cuộc chiến chống lại quốc gia này.

Mỹ cũng không vội điều các chiến đấu cơ tới "dằn mặt" Iran hay các tên lửa để chuẩn bị can thiệp quân sự. Mặc dù đe dọa và cảnh báo Iran song Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cử Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul tới gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại New York hồi tuần trước nhằm tìm kiếm một "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh.

Iran cũng thực hiện chiến lược tương tự. Một mặt, Tehran "đánh tiếng" về sự tự do đi lại ở Vịnh Ba Tư, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống lại nước này đều sẽ bị đáp trả tương xứng. Nhưng mặt khác, Ngoại trưởng Zarif cho biết Iran sẵn sàng bổ sung thêm các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Chiến tranh Mỹ-Iran sẽ không xảy ra, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Lầu Năm Góc không có ý định sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Iran - quốc gia có dân số gấp 2 lần Iraq. Hơn nữa, cuộc chiến này, nếu xảy ra có thể khiến hàng nghìn người thiệt mạng, tiêu tốn số tiền không nhỏ của Mỹ trong khi chưa chắc đã phá hủy được công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran.

Trong khi đó, Tehran cũng không dại gì "lấy trứng chọi đá" mà lao vào một cuộc chiến với Mỹ.

Lối thoát cho căng thẳng Mỹ - Iran không phải 1 con đường sẵn có. Hai bên cần phải đối thoại và lắng nghe cũng như hiểu được mục tiêu của đối phương để đưa ra những nhượng bộ hay ít nhất là một tiếng nói chung nhằm ngăn chặn “thùng thuốc súng” vùng Vịnh lúc nào cũng có thể phát nổ mà “mồi lửa” có thể chỉ là một động thái nhỏ, dù là vô tình hay hữu ý.

Theo Kiều Anh

VOV