1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tính toán của Mỹ khi mô phỏng vũ khí siêu vượt âm Nga và Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đã ký hợp đồng với một nhà thầu nhằm phát triển phương tiện mô phỏng vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc.

Tính toán của Mỹ khi mô phỏng vũ khí siêu vượt âm Nga và Trung Quốc - 1

Đồ họa mô phỏng thiết bị Talon-A (Ảnh: Stratolaunch).

Asia Times đưa tin, cơ quan Tên lửa Phòng thủ Mỹ (MDA) đã ký hợp đồng với hãng Stratolaunch nhằm phát triển phương tiện thử nghiệm siêu vượt âm Talon-A, mô phỏng vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc.

Daniel Millman, người đứng đầu mảng công nghệ của Stralolaunch, cho hay công ty này sẽ cung cấp cho MDA phương tiện có thể mô phỏng lại mối đe dọa để quân đội Mỹ hiểu được cách đánh chặn các mục tiêu siêu vượt âm.

Vũ khí siêu vượt âm được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại bằng cách bay với tốc độ nhanh gấp tối thiểu 5 lần tốc độ âm thanh và cơ chế né tránh các lá chắn phòng không bằng đường bay khó đoán.

Stratolaunch hiện đang trong quá trình phát triển Talon-A, nhằm cung cấp cho quân đội Mỹ công cụ tiến hành các vụ thử nghiệm siêu vượt âm. Talon-A bay nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh, được trang bị công nghệ cao để thu thập dữ liệu chuyến bay trong quá trình thử nghiệm. Hiện tại, công ty đang chế tạo 2 phiên bản TA-0 và TA-1. Ngoài khả năng bay với tốc độ siêu vượt âm, các thiết bị này có thể hạ cánh tự động và cất cánh từ các đường băng thông thường.

Stratolaunch được thành lập năm 2011 bởi nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen. Hợp đồng giữa MDA và Stratolaunch là động thái mới nhất của Mỹ trong nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm và các biện pháp đánh chặn loại khí tài được xem có thể thay đổi phương pháp tác chiến trong tương lai này.

Nó cũng cho thấy cuộc đua siêu vượt âm giữa họ và Nga, Trung Quốc đang nóng lên trong bối cảnh Mỹ nhiều lần thừa nhận đang đi sau 2 đối thủ liên quan tới loại vũ khí này. Gần đây, Mỹ đã lần thử 3 thử nghiệm thất bại tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, diễn biến được xem là bước lùi của họ. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc hiện đã đưa tên lửa siêu vượt âm vào biên chế.

Trung Quốc bắt đầu thử tên lửa siêu vượt âm lần đầu tiên vào năm 2014. Kể từ đó, họ đã thực hiện một số vụ thử nghiệm thành công DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung có thể dùng để phóng các phương tiện lướt siêu vượt âm. Nga hiện đã đưa vào biên chế dòng tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh).