1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tình thế “lợi bất cập hại” nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga

(Dân trí) - Cây viết Ankit Panda của tạp chí The Diplomat cho rằng nếu việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga là để nhằm vào Trung Quốc, lợi ích thực sự từ hành động của Mỹ là khá gây tranh cãi khi nó có thể đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.

Một tên lửa của Mỹ (Ảnh: US Navy)
Một tên lửa của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự tham vấn của các trợ lý, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, đã tuyên bố Washington sẽ rời khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đây là hiệp ước được ký từ năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km.

Các tên lửa phóng từ trên không và trên biển sử dụng đầu đạn thường hay hạt nhân không bị nằm trong danh sách cấm của INF. Vào thời điểm đó, INF có vai trò làm giảm căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ trước mối đe dọa nó có thể bùng phát trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm INF. Theo Washington, Nga đã phát triển và triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tên SSC-8 Novator vi phạm quy định về tầm bắn trong INF. Nga bác cáo buộc, “tố” ngược Mỹ vi phạm hiệp ước.

Theo cây viết Panda, kế hoạch đơn phương rút khỏi INF của Mỹ bắt nguồn một phần là từ thực tế địa chính trị mới mà Washington đang đối mặt, trong đó có sự thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, ông Harry Harris, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, hiện là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng Lực lượng tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã và đang phát triển hàng loạt hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình, trong khi INF đang “kìm chân” Mỹ triển khai những vũ khí này.

Giới quân sự Mỹ cũng có quan điểm tương tự. Chính vì vậy, việc rút khỏi INF sẽ giúp Mỹ phát triển hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) mới, đủ mạnh để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.

"Lợi bất cập hại"

Tuy nhiên, ông Panda cho rằng Mỹ nên cân nhắc về quyết định rút khỏi INF vì thực tế, đây là một động thái “lợi bất cập hại” do có thể có lợi cho Mỹ về việc “kìm chân” Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng lại có thể đẩy châu Âu rơi vào tình thế nguy hiểm.

Thứ nhất, ngoài Guam, lãnh thổ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không có nhiều lựa chọn về địa điểm để đặt hệ thống GLCM của họ. Nhật Bản, nơi khả dĩ nhất tính tới thời điểm hiện tại Mỹ có thể triển khai tên lửa, đã đưa ra tín hiệu rằng họ muốn Washington không rút ra khỏi hiệp ước.

Dĩ nhiên, tình thế địa chính trị ở khu vực có thể dẫn tới sự thay đổi trong quyết định của Tokyo. Các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia có thể sẽ cân nhắc liệu Bắc Kinh có phải là mối đe dọa tới sự ổn định trong khu vực trước khi chấp nhận đánh đổi về mặt chính trị và quan hệ với Trung Quốc để đồng ý cho Mỹ đặt tên lửa.

Mặt khác, Mỹ hiện thời đã có sự cân nhắc triển khai hệ thống tên lửa trên không và trên biển ở khu vực để đối phó với Trung Quốc. Tuy chi phí triển khai các hệ thống này đắt hơn GLCM, nhưng chúng đã có sẵn và không mất chi phí phát triển cũng như mua mới từ đầu.

Tuy nhiên, để nhận được lợi ích chưa mấy rõ ràng ở châu Á khi rút khỏi INF, Mỹ có thể sẽ phải trả một giá đắt ở châu Âu. Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF có thể sẽ khiến Nga bắt tay phát triển tên lửa SSC-8 hoặc tên lửa mới như Mỹ lo ngại. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đã lên tiếng về việc này, kêu gọi Washington suy nghĩ lại vì INF vốn được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh cho khu vực. Các nước châu Âu đã kêu gọi Mỹ cân nhắc việc sửa chữa, đàm phán lại, hơn là từ bỏ INF khi chưa có một biện pháp thay thế cụ thể.

Hiện thời, chưa có một dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy tuyên bố rút khỏi INF của ông Trump sẽ sớm được thực hiện. Các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói rằng các biện pháp rút khỏi hiệp ước chưa được kích hoạt và ủy ban Thẩm tra đặc biệt, cơ quan chịu trách nhiệm thảo luận các vấn đề liên quan tới INF, dự kiến vẫn nhóm họp vào tháng 12 này.

Đức Hoàng

Theo SCMP