1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân, Nga có thể đòi lại Alaska

(Dân trí) - Một nhà sử học cho rằng Nga có quyền đòi lại vùng đất Alaska đã chuyển nhượng cho Mỹ theo thỏa thuận năm 1867 nếu Washington rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký giữa hai nước từ thời Chiến tranh Lạnh.


Những ngọn núi ở Alaska. (Ảnh: BI)

Những ngọn núi ở Alaska. (Ảnh: BI)

Những tuần gần đây, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh quyết tâm rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) do Nga và Mỹ ký từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Tổng thống Trump để ngỏ khả năng phát triển kho hạt nhân của Mỹ cho tới khi Nga và Trung Quốc hiểu ra vấn đề.

Mặc dù không đưa ra thông báo chính thức, song Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thừa nhận INF, thỏa thuận từng được xem là vô cùng quan trọng với an ninh quốc gia của Nga, sắp trở thành dĩ vãng. Trong khi đó, Mỹ tìm nhiều lý do để biện minh cho quyết định rút khỏi INF sau hơn 30 năm tham gia hiệp ước.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng hiệp ước từ năm 1988 đã lỗi thời do được ký trong một bối cảnh địa chính trị hoàn toàn khác. Ngoài ra, Mỹ cũng tố Nga liên tục vi phạm INF khi phát triển tên lửa bị cấm mặc dù Moscow đã lên tiếng phủ nhận. Washington cũng cho rằng việc rút khỏi INF không nhằm vào Nga, mà là để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc cùng các nước khác - những quốc gia không tham gia hiệp ước và “rảnh tay” phát triển các tên lửa mà Mỹ bị cấm.

Theo nhà sử học Nikolay Starikov - lãnh đạo phong trào Những người yêu Tổ quốc, khi Mỹ thiếu tôn trọng hiệp ước INF và các thỏa thuận song phương khác, Nga cũng có quyền rút khỏi thỏa thuận năm 1867 về việc trao vùng Alaska cho Mỹ và đòi Washington trả lại vùng đất này.

“Phản ứng của Nga trong tình huống hiện tại là nên tuyên bố Nga có khả năng rút khỏi thỏa thuận chuyển giao Alaska”, ông Starikov nói.

“Thỏa thuận chỉ nói về việc chuyển nhượng lãnh thổ (cho Mỹ), chứ không nói cụ thể trong thời hạn bao lâu. Điều đó đồng nghĩa với việc thỏa thuận này không có công thức “kéo dài mãi mãi” như thường thấy trong các hiệp ước ngoại giao”, nhà sử học Nga nói thêm.


Tàu đánh bắt hải sản ở Alaska (Ảnh: BI)

Tàu đánh bắt hải sản ở Alaska (Ảnh: BI)

Theo ông Starikov, Điện Kremlin có thể sử dụng chính những lập luận và logic của Mỹ khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF để giải thích cho việc Moscow rút khỏi thỏa thuận chuyển giao Alaska. Cụ thể, ông Starikov cho rằng Nga có thể sử dụng những lập luận sau:

- Thỏa thuận chuyển giao vùng đất Alaska giữa Nga và Mỹ đã lỗi thời vì được ký trong bối cảnh địa chính trị khác biệt.

- Mỹ tự chịu trách nhiệm vì đã phá vỡ thỏa thuận khi không thực thi đầy đủ các cam kết.

- Việc Nga rút khỏi thỏa thuận không nhằm vào Mỹ mà nhằm mở rộng các cơ hội thương mại của Nga, từ đó giúp Nga thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc về thương mại.

- Nga, với tư cách là nước kế thừa Liên Xô trước đây, sẵn sàng hoàn trả khoản tiền 7,2 triệu USD cho Mỹ và rút khỏi thỏa thuận chuyển nhượng, lấy lại Alaska. Vào năm 1867, Nga đã chuyển nhượng Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD.

Với diện tích hơn 1,7 triệu km2 và dân số khoảng 740.000 người, Alaska hiện là một bang của Mỹ và nằm ở cực tây bắc của lục địa Bắc Mỹ. Alaska nằm tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của lãnh thổ Mỹ, bị chia cắt bởi Canada và có biên giới trên biển với Nga.

Sau hơn 150 năm phát triển, Alaska đã trở thành khu vực phát triển bùng nổ, thu hút nhiều khách du lịch tới đây hàng năm. Alaska thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc đánh bắt và khai thác thủy sản do sở hữu vùng biển rộng lớn. Ngoài ra, tiểu bang của Mỹ còn có các mỏ kẽm, mỏ đồng và giếng dầu với trữ lượng lớn.


Alaska nằm tách biệt so với phần còn lại của lãnh thổ Mỹ. (Ảnh: Google Maps)

Alaska nằm tách biệt so với phần còn lại của lãnh thổ Mỹ. (Ảnh: Google Maps)

Thành Đạt

Theo RT