1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình hình Biển Đông: Trung Quốc vẫn cần níu kéo Indonesia

Quan hệ Trung Quốc-Indonesia căng thẳng do mâu thuẫn liên quan đến tàu cá, nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn cần níu kéo Indonesia.

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc bùng phát khi ngày 19/3 các tàu tuần duyên của Indonesia phát hiện một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.

Các tàu của Indonesia đã truy đuổi và giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc lại. Trong quá trình lai dắt chiếc tàu cá này để xử lý, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.

Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi.

Chính quyền Indonesia bắn cháy tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước này. (Ảnh minh họa)
Chính quyền Indonesia bắn cháy tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước này. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cho rằng, các tàu của Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Indonesia lai dắt chiếc tàu đánh cá trái phép về xử lý để tránh việc chiếc tàu này bị phía Indonesia đánh chìm sau đó. Bà Pudjiastuti cũng tuyên bố, Indonesia có thể đưa vụ đụng độ nói trên ra tòa án quốc tế.

Tờ New York Times (Mỹ) nhận định phản ứng quyết liệt của Indonesia trong sự kiện 19/3 có khả năng là "bước ngoặt trong ứng xử của Jakarta trước thái độ ngông cuồng của Trung Quốc ở biển Đông".

Theo tờ này, trong khi các thành viên khác của ASEAN và Trung Quốc chưa tìm được tiếng nói chung, cũng như mối đe dọa từ các đảo nhân tạo được Bắc Kinh quân sự hóa (trái phép) tăng lên, động thái của Indonesia được xem như một cơ hội "sau lưng Trung Quốc" mà Mỹ có thể tận dụng.

Đáng lưu ý, tờ Đa Chiều (Mỹ) cho rằng, việc Mỹ, Nhật, Australia và các đối tác ở Biển Đông đẩy mạnh hợp tác trong thời gian qua có thể coi là vòng vây đang siết chặt với Trung Quốc.

Trong bối cảnh liên minh của Mỹ trở nên vững mạnh, Bắc Kinh đang đối phó sức ép bằng cách tận dụng mọi nguồn lực, cơ chế liên kết chống kiềm chế, chuẩn bị cho các "tình huống bất ngờ".

Do đó, căng thẳng Bắc Kinh-Jakarta leo thang ở khu vực quần đảo Natuna được giới quan sát đánh giá là một diễn biến có ảnh hưởng rất xấu đến Trung Quốc.

Sau vụ 19/3, bất chấp phản ứng mạnh từ Bộ ngoại giao và cả Bộ quốc phòng Indonesia, chính phủ Trung Quốc vẫn nhấn mạnh các điểm chung giữa hai bên và "vấn đề giữa Jakarta với Bắc Kinh không hề nghiêm trọng".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định "Indonesia không có yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV)", như một tín hiệu rằng "Bắc Kinh không nhằm vào Indonesia trong vấn đề biển Đông".

Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, xác nhận Trung Quốc "không có tranh cãi gì về điều này", đồng thời kêu gọi hai nước "giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn trên biển bằng con đường đối thoại".

Đặc biệt, khi 2 nước lên tiếng rằng "2 năm qua, song phương đã xử lý tốt các vấn đề ngư nghiệp và duy trì trao đổi mật thiết", Trung Quốc cũng đạt được mục đích trước mắt khi xác định rằng Indonesia tạm thời "chưa có dấu hiệu can thiệp cục diện đối đầu ở biển Đông".

Việc Jakarta tiếp tục giữ thái độ trung lập, hoặc không đưa mâu thuẫn với Trung Quốc vào ASEAN, vẫn giúp Bắc Kinh "kìm hãm" thế tấn công của Mỹ ở phía Đông Biển Đông.

Ở một động thái gây chú ý, ngày 25/3, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Đông Nam Á về Biển Đông (CSARC) đã chính thức ra mắt bên lề diễn đàn Bác Ngao được tổ chức hàng năm ở tỉnh Hải Nam. Trung tâm được thành lập bởi Viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Indonesia. Trung tâm này được quảng bá sẽ "tăng cường thay đổi học thuật và thể chế, đẩy mạnh hoạt động giữa các nước nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung trong khu vực", theo Tân Hoa xã.

Tờ The Straits Times cho rằng trung tâm mới này, tuy mang tiếng quy tụ chuyên gia khu vực, nhưng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu ủng hộ những yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trước đó, trong khi vụ đụng độ tàu trên Biển Đông giữa Indonesia và Trung Quốc chưa có hướng giải quyết, Bắc Kinh gửi tàu chiến đến Indonesia để dự một cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng 4/2016 với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ và Nga, ở ngoài khơi Sumatra.

Giới chuyên gia nhận định, từ vụ việc Indonesia bắt tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và phía Malaysia phát hiện gần 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này cho thấy nguy cơ mới trong khu vực từ kiểu hành xử nước lớn của Bắc Kinh.

Theo tạp chí Diplomat, các vụ xâm phạm của ngư dân Trung Quốc đang thể hiện “chiến lược hàng hải” mà Bắc Kinh đề cập trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, nhằm giành lấy các lợi ích trên Biển Đông.

Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc có chuyến thăm hữu nghị chính thức ​Việt Nam từ ngày 26-28/3.

Tại buổi hội đàm ngày 27/3, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và ông Thường Vạn Toàn đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh, hai bên tiếp tục xử lý thỏa đáng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tiến tới xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC). Xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì, hòa bình và ổn định cho khu vực.

Hai bên nhất trí quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới; đồng thời tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, ổn định và bền vững, qua đó tiếp tục khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt