1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" của binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tình trạng thiếu binh lính, thiếu thiết bị sơ tán thương binh trên chiến trường của Ukraine khiến nhiều người lính nước này ra trận với tâm thế rằng họ có thể phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất.

Tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc của binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến - 1

Quân y Ukraine sơ tán một quân nhân bị thương khỏi tiền tuyến gần Bakhmut hồi năm 2023 (Ảnh: AFP).

Mykhailo đến một công sự chưa đầy một giờ sau khi nó bị máy bay không người lái của Nga tấn công. Người lính Ukraine 40 tuổi ngay lập tức bắt đầu kiểm tra các thi thể, tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Ông biết có 4 người lính Ukraine từng trú ẩn ở đó. Tuy nhiên, ông nhìn thấy 2 thi thể và không còn một ai khác.

"Khi tôi đến nơi, thi thể 2 đồng đội đã lạnh rồi", ông nói.

Không có thời gian để nán lại xung quanh. Công sự nằm gần Bakhmut có thể trở thành mục tiêu tấn công một lần nữa. Mykhailo quyết định rời đi. Sau đó, ông đã biết được chuyện xảy ra.

Bốn quân nhân Ukraine đang trên đường trở về hậu cứ từ tiền tuyến để thay ca và ẩn nấp trong công sự. Khi máy bay không người lái của Nga tấn công, 2 binh sĩ thiệt mạng, 1 người bị thương và 1 người khác mất tích.

Sau đó, người lính bị thương không còn lựa chọn nào khác là phải tự di chuyển tới điểm cứu hộ gần nhất, cách đó vài trăm mét. Đây là một hình ảnh quen thuộc vì trên tiền tuyến, Ukraine đang thiếu nghiêm trọng lực lượng quân y và phương tiện cứu hộ binh sĩ.

Tại những vị trí bị pháo kích dày đặc và gần quân đội Nga, binh lính Ukraine nói rằng hoạt động sơ tán y tế cho thương binh không tồn tại.

Đối với Mykhailo, một người lính thuộc Lữ đoàn xung kích đường không số 80 của Ukraine đang chiến đấu gần Klishchiivka, điều đó có nghĩa là mỗi lần ra trận, ông đều tính đến kịch bản mình không thể sống sót trở về.

"Tôi biết mình sẽ đối diện với tử thần ở đó (trên tiền tuyến). Hoạt động cứu nạn y tế là bất khả thi (với Ukraine) lúc này", ông nói.

Lý do dẫn đến tình trạng này chính là chiến sự đang diễn ra quá dữ dội.

Có thể phải mất 1 hoặc thậm chí 2 ngày để binh lính ra vào những điểm giao tranh ác liệt nhất. Điều này dập tắt mọi hy vọng về việc lực lượng y tế có thể đến cứu chữa những người bị thương.

Các binh sĩ Ukraine thường phải tự mình kéo đồng đội ra dưới làn đạn pháo dày đặc, có khi phải đi bộ 5-7km đến điểm sơ tán gần nhất để đưa thương binh đến các bệnh viện dã chiến.

Khi những binh sĩ mang những đồng đội bị thương ra ngoài chiến tuyến, nhóm này rất dễ bị phát hiện. Họ ngay lập tức trở thành mục tiêu dễ dàng cho máy bay không người lái và pháo binh Nga.

Các phương tiện sơ tán không thể đến các vị trí để đưa người bị thương ra ngoài nhanh chóng. Các phương tiện này thậm chí còn dễ bị phát hiện hơn và Ukraine không thể để mất những thiết bị này vì Kiev chỉ có số lượng giới hạn cho tiền tuyến dài hơn 1.000km.

Tình hình nguy cấp trên chiến trường

Các đơn vị tiền tuyến cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các thiết bị cơ bản như xe bọc thép chở quân M113 do Mỹ sản xuất và thậm chí cả xe bộ binh BMP thời Liên Xô.

Trung bình, mỗi đơn vị 300-600 lính chỉ có một xe M113 và một BMP. Việc di tản thương binh bằng những xe này là không thể thực hiện đầy đủ. Các phương tiện này cũng thường xuyên hỏng hóc do bị Nga tấn công hoặc địa hình phức tạp khiến cho tình hình càng thêm nguy cấp.

Lực lượng Y tế của quân đội Ukraine thừa nhận rằng các phương tiện bọc thép được sử dụng để sơ tán cần phải "được bổ sung liên tục". Họ cho biết cách duy nhất để giải quyết vấn đề là nhận thêm từ các đồng minh.

Tại một số đơn vị, những người lính được phỏng vấn cho biết, chỉ huy của họ thường lo ngại sẽ mất các thiết giáp chở quân hiếm hoi. Điều này dẫn tới quá trình cứu nạn cho thương binh bị gián đoạn nghiêm trọng, và có thể bỏ lỡ "thời điểm vàng" để cứu mạng hoặc cứu lấy các bộ phận cơ thể họ như tay, chân.

Chuyên gia quân sự Michael Kofman, chuyên gia tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, cho biết: "Vấn đề cốt lõi vẫn không thay đổi trong suốt cuộc chiến này là sự thiếu hụt xe bọc thép để thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ".

Theo Glen Grant, một trung tá người Anh đã nghỉ hưu và gần đây là chuyên gia quốc phòng tại Viện Ukraine, quân đội Ukraine "cực kỳ nghèo nàn" thiết bị và phương tiện chăm sóc y tế trên chiến trường.

Tình trạng này tạo ra một vòng luẩn quẩn với Ukraine. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng lực lượng trên tiền tuyến khi cuộc chiến tiêu hao với Nga đã kéo dài sang năm thứ 3. Mặt khác, Ukraine lại không có đủ nguồn lực để cứu những binh sĩ bị thương, khiến họ rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Mykhailo từ lữ đoàn 80 cho biết đơn vị của ông đã bị sụt giảm mạnh sau 8 tháng chiến đấu ở phía nam Bakhmut. Ước tính, đơn vị này chỉ có 10% số binh sĩ xung kích cùng thời điểm với ông còn tác chiến. Số còn lại thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích.

Mykhailo cho rằng cơ hội sống sót của ông là rất nhỏ vì nếu bị thương, ông cũng khó được đưa về để cứu chữa.

Mykhailo, ông bố 2 con, nói trong tình trạng nước mắt rơi và thở dốc: "Tôi chỉ đang làm công việc của mình tốt nhất có thể. Nếu tôi bị thiệt mạng trên chiến trường thì vì Ukraine, tôi sẵn sàng".

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine