Tin tặc Trung Quốc bị "tố" tấn công các hãng sản xuất vắc xin Ấn Độ
(Dân trí) - Các tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách xâm nhập vào hệ thống công nghệ thông tin của hai nhà sản xuất vắc xin Ấn Độ và làm tê liệt mạng lưới điện tại trung tâm tài chính Mumbai.
Theo Straitstimes, các nhà nghiên cứu tại công ty tình báo mạng Cyfirma cho biết, họ đã phát hiện cách thức nhóm tin tặc Trung Quốc APT10 nhắm mục tiêu tới cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và chuỗi cung ứng của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới và là nơi sản xuất vắc xin Covid-19 AstraZeneca, và Bharat Biotech - nhà sản xuất vắc xin nội địa Ấn Độ.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc APT10 có liên hệ với chính quyền Trung Quốc.
Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp cho cả 2 nhà sản xuất vắc xin trên để đáp ứng nhu cầu cho chương trình tiêm chủng vắc xin tại nước này - một trong những chương trình lớn nhất thế giới.
Theo Cyfirma, họ phát hiện ra rằng hoạt động nghiên cứu vắc xin của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của tin tặc Trung Quốc - đối tượng bị cáo buộc có ý định gây tổn hại cho danh tiếng cũng như phá hoại nỗ lực tiêm chủng vắc xin quốc gia của Ấn Độ.
Cyfirma không biết chính xác ngày diễn ra các vụ tấn công mạng, song cho biết có bằng chứng từ các cộng đồng và diễn đàn tấn công mạng cho thấy các vụ tấn công này đã bắt đầu được tiến hành nhằm vào 2 công ty của Ấn Độ.
Theo Kumar Ritesh, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Cyfirma, các quốc gia vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực để giành chiến thắng trong cuộc đua vắc xin và các hoạt động tấn công mạng đang diễn ra ở cấp độ "chưa từng có".
"Các tin tặc được nhà nước bảo trợ đang tìm cách xâm nhập để phá vỡ hoạt động phân phối vắc xin, đánh cắp tài sản nghiên cứu trí tuệ, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho đất nước của họ", ông Ritesh cho biết thêm.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây của công ty an ninh mạng Mỹ Recorded Future đã đặt ra nghi vấn rằng, tin tặc Trung Quốc có thể đứng sau sự cố mất điện tại thành phố Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ. Gần 5 triệu hộ gia đình ở Mumbai đã chịu cảnh mất điện hôm 13/10/2020 sau khi mạng lưới điện ở thành phố này gặp trục trặc kỹ thuật. Hệ thống đường sắt bị đình trệ trong khi thị trường chứng khoán ngừng hoạt động trong nhiều giờ.
Thông tin về các vụ tấn công mạng xuất hiện trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên tục căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở khu vực biên giới. Ngoài ra, hai nước cũng đều đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vắc xin Covid-19.
Ấn Độ đã cung cấp hàng triệu liều vắc xin được sản xuất nội địa cho các nước láng giềng, trong đó có Nepal, Bangladesh và Maldives. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á.
Ấn Độ cũng cung cấp vắc xin cho nhiều nước khác trên thế giới, thông qua chương trình phân phối vắc xin toàn cầu Covax.
Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu vắc xin Covid-19 sang 27 nước và viện trợ miễn phí cho 53 nước trên thế giới. Phần lớn các nước nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc là những quốc gia đang phát triển.