1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tìm thấy điểm yếu "chí tử" của virus SARS-CoV-2

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhà khoa học có thể đã phát hiện ra "gót chân Asin" của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 dựa vào cơ chế tác động của virus đến phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Tìm thấy điểm yếu chí tử của virus SARS-CoV-2 - 1

Các nhà khoa học tiếp tục chạy đua giải mã SARS-CoV-2 để phục vụ phát triển vaccine, thuốc và phương pháp điều trị (Ảnh minh họa: Getty).

Trang tin Science Daily dẫn một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết protein NS2 của virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể xem là "gót chân Asin" của virus SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu, SARS-CoV-2 dựa vào protein này để tác động đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng nguy cơ bệnh nặng ở người nhiễm bệnh. Nếu cơ thể thiếu protein NS2, phản ứng miễn dịch của cơ thể có thể khống chế virus trước khi nó gây ra triệu chứng nghiêm trọng ở người nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, phát hiện này có thể giúp ngăn bệnh viêm phổi - nguyên nhân gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng của cơ thể đối với virus đường hô hấp, trong đó bao gồm cả bệnh Covid-19.

Giống các loại virus hô hấp khác, bao gồm cả SARS-CoV-2, RSV có thể truyền bệnh cho các tế bào phổi làm nhiệm vụ trao đổi khí. Protein NS2 biến các tế bào nhiễm bệnh này trở thành "nhà máy" sản xuất thêm virus. Nếu xảy ra tình trạng nhân lên không kiểm soát của virus ở các tế bào này, chúng có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng, gây ra các bệnh như viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Kim Chiok, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu, giải thích: "Tình trạng viêm nhiễm gia tăng sẽ làm nghẽn đường thở, gây ra khó thở. Đó là lý do tại sao những người bị viêm phổi cần được trợ thở và đó cũng là lý do tại sao họ có thể phải điều trị tích cực".

RSV gây ra khoảng 160.000 trường hợp tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ nhỏ, người già và những người suy giảm miễn dịch. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang tìm cách giải quyết vấn đề đó bằng việc tìm hiểu kỹ hơn về cách virus đường hô hấp tồn tại trong tế bào cơ thể người.

Nhà khoa học Chiok cho biết: "Virus có rất nhiều công cụ, trong đó một số công cụ mang đồng thời nhiều chức năng, chúng tôi muốn tìm hiểu về những công cụ này bằng cách loại bỏ chúng".

Mỗi công cụ có thể hiểu là một loại protein của virus. Protein NS2 được xác định là cơ quan điều chỉnh chính của quá trình tự thực bào. Đây là một quá trình tế bào điều chỉnh hệ bảo vệ miễn dịch khi nhiễm virus. Khi virus xâm nhập vào tế bào, một protein tế bào có tên là Beclin1 có thể nhận ra mối đe dọa. Tuy nhiên, protein NS2 của RSV sẽ xâm nhập vào hệ thống phòng thủ của Beclin1, cho phép virus tồn tại và nhân rộng trong tế bào, sau đó lan sang các tế bào khác, gây ra tổn thương và phản ứng viêm từ cơ thể. Quá trình đó gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi.

Hơn hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giới khoa học toàn cầu vẫn đang tiếp tục giải mã virus này để tìm ra phương pháp hiệu quả cho phép phát triển vaccine, các loại thuốc cũng như phương pháp điều trị. Các chuyên gia cho biết, các vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19.

Một số dấu hiệu hiện nay như số ca mắc Covid-19 tăng lên nhưng triệu chứng dường như bớt nghiêm trọng hơn làm dấy lên hy vọng Covid-19 sắp trở thành bệnh đặc hữu mà thế giới có thể chung sống mà không phải đối mặt mối đe dọa đáng kể nào.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, không loại trừ nguy cơ xuất hiện những đại dịch mới thậm chí tồi tệ hơn Covid-19 trong tương lai và đó là lý do thế giới cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó tốt hơn.

Hãng tin RT dẫn lời tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft, cho rằng các nước cần đầu tư cho các kế hoạch ứng phó với nguy cơ bùng phát đại dịch mới thậm chí chết chóc hơn cả Covid-19. Theo ông, bằng việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển vaccine để đảm bảo nguồn cung nhanh chóng trên toàn thế giới, các chính phủ có thể chuẩn bị tốt hơn để ứng phó các đại dịch trong tương lai.

Theo scitechdaily.com