Tiêu diệt IS là “nhiệm vụ bất khả thi”?
(Dân trí) - Lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận một cuộc chiến nào có sự tham gia của nhiều nước như cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thế nhưng dường như chính phủ các nước chỉ đưa ra cam kết mà chưa thực sự nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Trang Telegraph mới đây đăng một bài phân tích có tiêu đề: “Quyết tâm đánh bại IS của thế giới chỉ là ảo tưởng”. Theo tác giả bài viết Richard Spencer, gần như cả thế giới đang tham gia vào cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân có quy mô lớn nhất hiện nay.
Đầu tiên là chính phủ Iraq và Syria - những quốc gia trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi sự bành trướng của IS, nơi mỗi ngày người dân phải sống dưới những làn đạn pháo và nỗi lo sợ các vụ tấn công. Thành phần tiếp theo tham gia cuộc chiến này là các đồng minh phương Tây, nổi bật là liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tiến hành các cuộc không kích IS tại Iraq và Syria từ tháng 6/2014. Ngoài ra, các lực lượng quân sự Anh, Pháp và Australia cũng tham gia cuộc chiến với việc giúp huấn luyện và đào tạo các binh sĩ của Syria và Iraq.
Từ cuối tháng 9 năm nay, một cường quốc khác là Nga cũng bắt đầu đưa quân tới Syria để bắt đầu chiến dịch không kích chống IS. Mátxcơva được xem là quốc gia duy nhất thực sự nghiêm túc trong việc quyết tâm đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, một số quốc gia Trung Đông khác như Jordan, Arap Xê-út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arap thống nhất… cũng thể hiện sự tích cực trong liên minh chống IS.
Mặc dù có một lực lượng đông đảo tham gia vào cuộc chiến nhằm tiêu diệt IS song dường như không có quốc gia nào đưa ra được một kế hoạch cụ thể, dài hạn để truy quét, tiêu diệt các tay súng phiến quân và giành lại quyền kiểm soát những khu vực mà IS đang chiếm giữ. Rõ ràng rằng mỗi nước đều có những ưu tiên nhất định khiến họ chưa thể thực hiện những gì đã cam kết khi bước vào cuộc chiến này.
Về phía Mỹ, cùng đồng minh thân cận là Anh, tỏ ra khá tích cực với các cuộc không kích IS tại Syria. Tuy nhiên, Washington không sẵn sàng triển khai bộ binh tới Trung Đông để đối phó với nhóm phiến quân này vì những lý do chính trị trong nước. Thêm vào đó, Tổng thống Barack Obama cho rằng việc đánh bại IS cũng không thể mang lại hòa bình và ổn định hoàn toàn cho khu vực này khi các cuộc xung đột phe phái vẫn tiếp tục diễn ra.
Đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, IS không phải là kẻ thù duy nhất. Cũng có thể Damascus đang “lợi dụng” IS để đối phó với phe đối lập ở nước này. Cuộc nội chiến ở Syria cùng với sự tấn công của các tay súng IS đã đẩy quốc gia Trung Đông này vào một cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân vô tội.
Các quốc gia vùng Vịnh muốn tiêu diệt IS nhưng so với nhóm phiến quân này, Iran dường như là “đối thủ” nguy hiểm hơn. Chắc chắn rằng các nước vùng Vịnh sẽ không hoang phí các nguồn lực của mình mà tập trung để đối phó với lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia tại Yemen.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định rõ kẻ thù chính của nước này là Đảng Công nhân người Kurd (PKK) chứ không phải là các tay súng IS.
Về phần mình, Nga đã khẳng định sẽ không triển khai bộ binh tới Syria. Các cuộc không kích của Mátxcơva cũng nhằm cả vào các mục tiêu không phải là IS. Ưu tiên của Nga khi tiến hành các cuộc không kích ở Syri a là nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Điều này vô hình chung đã khiến IS giành được lợi thế ở một số khu vực, khi các nhóm phiến quân khác cũng đang chiến đấu với IS.
Nhìn vào thực tế hiện nay, người ta sẽ cho rằng quá khó để có thể tiêu diệt được một nhóm khủng bố có quy mô, tổ chức và giàu tiềm lực tài chính như IS. Nhưng sự thật rất đơn giản rằng không có quốc gia nào phải hứng chịu mối đe dọa đủ lớn từ IS để huy động toàn bộ lực lượng đối phó với nhóm phiến quân này.
Hồi tháng 5 vừa qua, khi thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, Iraq rơi vào tay IS, chính phủ Iraq và Mỹ đã lên kế hoạch để chiếm lại trong vài ngày. Các báo cáo định kỳ vẫn được đưa ra song không có cuộc tấn công nào được thực hiện.
Lý do được đưa ra là quân đội Iraq không đủ mạnh để tiến hành các cuộc tấn công “tay đôi” với IS, cho thấy các hoạt động huấn luyện của quân đội Mỹ trong suốt 1 thập kỷ qua vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, lời giải thích thực sự nằm ở chỗ quân đội Iraq bị chi phối bởi lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia, trong khi ưu tiên của lực lượng này là bảo vệ các khu vực chiến lược của mình hơn là giành lại quyền kiểm soát tỉnh Anbar.
Rõ ràng rằng, một lực lượng quân đội phương Tây hùng hậu, thiện chiến với các vũ khí tối tân hiện đại có khả năng tiêu diệt IS một cách nhanh gọn nếu các nước sẵn sàng giáng một đòn thật mạnh vào IS và chấp nhận những rủi ro cũng như mất mát như tất cả các cuộc chiến tranh truyền thống khác.
Nhật Minh
Theo Telegraph