1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thuyết âm mưu nhằm "lật đổ" bà Hillary Clinton bằng chiêu bài sức khỏe

(Dân trí) - Từ ứng viên tổng thống Donald Trump cho tới các cộng sự của ông và nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa đều liên tục tung ra những bằng chứng để khẳng định bà Hillary Clinton không đủ sức khỏe để trở thành tổng thống. Đây được cho là thuyết âm mưu mới nhằm lật đổ cựu Ngoại trưởng Mỹ trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh: Time)
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh: Time)

Trong vài tuần trở lại đây, những tin đồn về sức khỏe của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Mỹ cũng như trên các phương tiện truyền thông của đảng Cộng hòa. Lẽ đương nhiên, tỷ phú Donald Trump, ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào cuối năm này cũng không nằm ngoài “dòng chảy” chung đó khi tuyên bố bà Clinton “không đủ sức khỏe thể chất và tinh thần” để đương đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như các đối thủ của Mỹ.

Nguồn gốc của những lời đồn đoán

Kênh CNN cho rằng những lời đồn đoán đầu tiên về sức khỏe của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt nguồn từ cuối năm 2012. Vài ngày trước khi tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Benghazi hồi tháng 12/2012, bà Clinton bất ngờ bị chấn động não sau khi bị mất nước trong cơ thể và ngất xỉu. Phiên điều trần của bà, dự kiến tổ chức vào ngày 20/12, đã bị lùi lại do sự cố sức khỏe này.

Các đối thủ chính trị của bà Clinton, đáng chú ý nhất là John Bolton - một thành viên của đảng Cộng hòa và là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho rằng bà đang diễn trò giả ốm để tránh cuộc điều tra của quốc hội về vấn đề bà sắp điều trần.

Vài tuần sau vụ việc trên, bà Clinton đã phải nhập viện và được tiêm thuốc làm loãng máu để đánh tan khối máu đông ở phía sau tai phải của bà. Sau đó các bác sĩ cũng đã tiến hành kiểm tra vấn đề chấn động não của bà và kết luận rằng khối máu đông không dẫn tới đột quỵ hay bất kỳ biến chứng thần kinh nào khác.

Ngày 23/1/2013, bà Clinton tiếp tục ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện và Hạ viện Mỹ về vụ tấn công ở Benghazi.

Tháng 5/2014, hơn một năm sau khi bà Clinton thôi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, chiến lược gia đảng Cộng hòa Karl Rove khiến dư luận chú ý khi nói rằng bà Clinton bị tổn thương não vào năm 2012. “30 ngày sống trong bệnh viện? Và khi bà ấy xuất hiện, bà ấy đã đeo loại kính vốn chỉ dành cho những người bị chấn thương sọ não?”, New York Post dẫn lời ông Rove nói. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ông Rove liền rút lại lời nói của mình. Ông cũng sửa lại thông tin do chính mình đưa ra ban đầu, rằng bà Clinton chỉ ở trong bệnh viện khoảng 3 ngày, chứ không phải một tháng. Politifact cũng chỉ ra rằng bình luận của ông Rove về chiếc kính của bà Clinton là sai sự thật. Vụ lùm xùm này sau đó đã lắng xuống. Tới tháng 7/2015, bác sĩ lâu năm của bà Clinton, Lisa Bardack, khẳng định bà đã hoàn toàn bình phục.

Thuyết âm mưu trở lại

Những lời đồn đoán về sức khỏe của cựu Ngoại trưởng Mỹ tưởng chừng đã trôi vào dĩ vãng cho tới khi bà chính thức bước chân vào cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống cùng đối thủ bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump. Một sự cố bất ngờ xảy ra khiến dư luận, đặc biệt là các thành viên trong đảng Cộng hòa, một lần nữa đặt ra nghi vấn về sức khỏe của bà Clinton.

Bà Clinton có biểu hiện lạ khi tới thăm một cửa hàng bánh tại Washington hồi tháng 6/2016

Trong đoạn video quay lại chuyến thăm của ứng viên đảng Dân chủ tới một cửa hàng bánh ngọt tại Washington hồi tháng 6 vừa qua, bà Clinton được cho là có biểu hiện lạ khi liên tục lắc đầu mạnh trong vài giây. Jim Hoft, một blogger ủng hộ tỷ phú Trump, đã đăng tải video này lên trang web của ông này, và đặt tiêu đề cho đoạn video là “Ồ! Có phải Hillary Clinton bị co giật không?”.

Đoạn video ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng. Trong vài tuần sau đó, giới truyền thông bảo thủ và đội ngũ tranh cử của ông Trump bắt đầu mổ xẻ chủ đề này. Sean Hannity. người dẫn chương trình của kênh truyền hình Fox News đồng thời là một người ủng hộ nhiệt tình ứng viên đảng Cộng hòa, đã tập hợp một “hội đồng thẩm định” để phân tích và kiểm tra các cử chỉ của bà Clinton đoạn video trên. Tuy nhiên, bác sĩ thần kinh học Fiona Gupta đã phủ nhận nghi vấn sức khỏe của bà Clinton, cho rằng “rất khó để đánh giá nếu chỉ dựa trên đoạn video”. Còn bác sĩ nội khoa Marc Siegel nói rằng: “Dù không phải là bác sĩ thần kinh học nhưng tôi không nghĩ biểu hiện đó (của bà Clinton) giống một cơn co giật”.

Trong khi đó, Lisa Lerer, phóng viên của hãng thông tấn AP cũng đồng thời là người có mặt tại cửa hàng bánh ngọt hôm đó, nói rằng bà Clinton không phải bị co giật như mọi người vẫn nghĩ. “Bà ấy sau đó vẫn chụp ảnh, khuấy động cửa hàng và chào mọi người đứng bên ngoài cửa hàng”,

Cũng vào thời điểm này, trang blog American Mirror and Drudge Report đã đem một bức ảnh cũ được chụp từ hồi tháng 2 ra bình luận. Bức ảnh cho thấy bà Clinton được các cộng sự đỡ hai bên khi đang đi lên bậc tam cấp bên ngoài tòa nhà ở North Charleston, bang South Carolina.

Bà Clinton (áo xanh) được hai cộng sự dìu bên ngoài tòa nhà ở North Charleston hồi tháng 2 (Ảnh: WND)
Bà Clinton (áo xanh) được hai cộng sự dìu bên ngoài tòa nhà ở North Charleston hồi tháng 2 (Ảnh: WND)

Bài viết trên trang blog nhấn mạnh “tình trạng sức khỏe đáng nghi vấn của Hillary Clinton là một vấn đề lớn cho chiến dịch tranh cử năm 2016”. Tuy nhiên, chú thích gốc của bức ảnh do hãng Getty Images công bố lại đưa ra một câu chuyện khác. Theo đó, Getty Images nói rằng bà Clinton khi ấy bị trượt chân ngã khi đang bước trên bậc tam cấp để vào một cơ sở phi lợi nhuận có tên SC Strong.

Trong khi thuyết âm mưu đang trên đà nở rộ thì tỷ phú Trump cũng liên tục chĩa mùi dùi vào bà Clinton khi cho rằng bà luôn tỏ ra mệt mỏi và quá yếu đuối để có thể đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ của Nhà Trắng.

Trên mạng xã hội Twitter và một số trang blog, những người theo thuyết âm mưu này bắt đầu dồn sự chú ý vào những bức ảnh mà họ cho rằng các vệ sĩ của bà Clinton đã mang theo ống tiêm tự động chứa thuốc chống co giật cho bà. Tuy nhiên, Nicole Mainor, người phát ngôn của Mật vụ Mỹ, đã phủ nhận thông tin này đồng thời khẳng định rằng vật dụng mà vệ sĩ của bà Clinton cầm trên tay chỉ đơn thuần là một chiếc đèn pin.

Bức ảnh chụp vệ sĩ của bà Clinton cầm vật bị nghi là ống tiêm tự động (Ảnh: Twitter)
Bức ảnh chụp vệ sĩ của bà Clinton cầm vật bị nghi là ống tiêm tự động (Ảnh: Twitter)

Tiếp đó, một tài khoản Twitter có tên HillsMedRecords đã chia sẻ cái gọi là bệnh án bị rò rỉ của bà Clinton, trong đó nói rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh mất trí khởi phát sớm. Tuy nhiên, Snopes.com, một trang web kiểm tra thông tin khẩn cấp, đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Cùng với đó, bác sĩ của bà Clinton, người có tên xuất hiện trong phần tiêu đề của hồ sơ bệnh án được tung lên mạng, cũng tuyên bố tài liệu này là giả mạo, “không được viết bởi tôi và cũng không dựa trên bất kỳ cơ sở y học nào”.

Đứng trước những nghi vấn về vấn đề sức khỏe và một loạt những thông tin trái chiều, bà Clinton hôm 22/8 đã nói: “Tôi không biết lý do tại sao họ lại nói đến những chuyện đó”.

“Tôi nghĩ đó là một phần của chiến lược lập dị, chỉ phát ngôn những điều điên rồ và có thể một vài người sẽ tin vào những điều đó”, bà Clinton nhấn mạnh.

Thành Đạt

Tổng hợp