1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thụy Sĩ kiên quyết bác kêu gọi xuất khẩu đạn dược cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Thụy Sĩ lại một lần nữa từ chối kêu gọi của Đức về việc cho phép xuất khẩu đạn dược hỗ trợ Ukraine đối phó Nga.

Thụy Sĩ kiên quyết bác kêu gọi xuất khẩu đạn dược cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine ở thành phố Severodonetsk, khu vực Donbass (Ảnh: AFP).

Trong tuyên bố đưa ra hôm 3/11, chính phủ Thụy Sĩ nêu rõ, một động thái như vậy sẽ vi phạm chính sách trung lập của nước này.

"Theo nguyên tắc đối xử bình đẳng trong luật trung lập, Thụy Sĩ không thể đồng ý với yêu cầu chuyển giao trang thiết bị chiến tranh có nguồn gốc từ Thụy Sĩ cho Ukraine vì Kiev còn liên quan một cuộc xung đột vũ trang quốc tế", tuyên bố của nước này nêu rõ.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã viết thư cho chính quyền Bern để xin phép cung cấp 12.400 viên đạn pháo loại 35mm do Thụy Sĩ sản xuất cho các xe tăng phòng không Gepard mà Berlin đã cung cấp cho Ukraine.

Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đã từ chối. Hồi tháng 6, chính phủ Thụy Sĩ cũng đưa ra phản ứng tương tự khi nhận được lời đề nghị từ Đức.

Tuần trước, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ra tuyên bố khẳng định sẽ tiếp tục kiên định lập trường trung lập về chính trị bất chấp những thay đổi của tình hình quốc tế. Hội đồng này cho biết tuyên bố nhằm phản hồi trước việc một nhóm nghị sĩ trong Quốc hội kêu gọi làm rõ chính sách trung lập trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn khốc liệt.

Chính sách trung lập hiện nay của Thụy Sĩ đồng nghĩa với việc nước này không tham gia các cuộc xung đột vũ trang và không ủng hộ bên tham chiến nào. 

"Do tình hình pháp lý vẫn không thay đổi, việc chấp thuận chuyển giao vũ khí chiến tranh của Thụy Sĩ cho Ukraine vẫn chưa thể thực hiện được", tuyên bố mới nhất nhấn mạnh thêm.

Các loại đạn pháo 35mm ban đầu được các công ty Thụy Sĩ cung cấp cho quân đội Đức từ nhiều thập kỷ trước với điều kiện không được phép tái xuất khẩu vũ khí này nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Thụy Sĩ.

Theo Reuters