1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nguy cơ mất nguồn cung vũ khí quan trọng từ Mỹ, Anh

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được dự đoán nhiều bất ngờ ở Mỹ và chính sách "thắt lưng buộc bụng" của tân Thủ tướng Anh có thể sẽ khiến dòng chảy vũ khí từ phương Tây tới Ukraine giảm mạnh.

Ukraine nguy cơ mất nguồn cung vũ khí quan trọng từ Mỹ, Anh - 1

Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất (Ảnh: Sky News).

Những diễn biến mới trên chính trường Mỹ và Anh, hai nước hỗ trợ vũ khí quan trọng nhất cho Ukraine, đang có nguy cơ làm tắc nghẽn đáng kể dòng vũ khí từ phương Tây đến cho Kiev, đồng thời gây khó cho chiến lược giành lại thế chủ động của Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Tại Anh, Thủ tướng mới nhậm chức Rishi Sunak, nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế hơn là địa chính trị chiến lược, đã cam kết giảm chi tiêu công.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden có thể mất quyền kiểm soát hai viện Quốc hội vào tay đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới, trong đó các đảng viên Cộng hòa đều tuyên bố sẽ cắt giảm các chuyến hàng vũ khí của Mỹ tới Ukraine.

Nếu các viễn cảnh trên xảy ra, nó có thể có tác động nghiêm trọng đến chiến lược của Kiev, do tầm quan trọng của Anh và Mỹ trong việc hỗ trợ vũ khí quân sự và tài chính cho chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Mỹ và Anh lần lượt là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất nhì cho Ukraine, đồng thời là nhà cung cấp viện trợ tài chính và nhân đạo thứ nhất và thứ ba cho Kiev. Nếu dòng viện trợ từ Mỹ và Anh chậm lại đáng kể, Ukraine nguy cơ đối mặt  thất bại thảm hại.

Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel theo dõi hoạt động xuất khẩu vũ khí của nhiều quốc gia sang Ukraine, từ ngày 24/1 đến 3/10, Mỹ cam kết viện trợ quân sự lớn nhất trị giá 27 tỷ euro, tiếp theo là Anh với lời hứa 3,74 tỷ euro.

Các tổ chức EU cam kết cung cấp vũ khí trị giá 2,5 tỷ euro trong thời gian này, trong khi Ba Lan hứa khoản viện trợ trị giá 1,82 tỷ euro.

Về hỗ trợ nhân đạo và tài chính, viện nghiên cứu trên nhận thấy, Mỹ lại là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết 24,7 euro, trong khi Anh đứng ở vị trí thứ ba với cam kết 5 tỷ euro. Các tổ chức của EU ở vị trí thứ hai với cam kết 13,7 tỷ viện trợ cho Kiev.

Tiến thoái lưỡng nan

Nhìn chung, cả Washington và London đều cam kết hỗ trợ 0,2% GDP tương ứng của họ để hỗ trợ Kiev, Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết.

Tuy nhiên, mối lo lớn đặt ra là liệu những cam kết này có được giữ vững sau những đợt cắt giảm chi tiêu mà tân Thủ tướng Anh Sunak phải thực hiện hay không vẫn chưa rõ ràng. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cũng cần có được tối thiểu 40 tỷ bảng Anh (46 tỷ USD) để lấp đầy những lỗ hổng trong tài chính công của Vương quốc Anh.

Khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra ở Mỹ, Tổng thống Biden cũng đang rơi vào  tình thế khó khăn không kém khi các nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi phản đối chính sách hỗ trợ dành cho Kiev.

"Chính sách Ukraine của Tổng thống Biden đối mặt với sự siết chặt của lưỡng đảng",  báo Washington Post nhận định trong một bài viết hôm 25/10. Nhưng trong khi đảng Dân chủ nguy cơ bị mất vị thế, đảng Cộng hòa có những cảnh báo cứng rắn.

"Tôi nghĩ rằng mọi người rồi sẽ đau đầu vì suy thoái kinh tế và sẽ không thể hỗ trợ gì cho Ukraine", lãnh đạo phe Cộng hòa Kevin McCarthy cho biết hồi tuần trước.

Theo báo LA Times, những bình luận của ông McCarthy cho thấy chủ nghĩa hoài nghi đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine đang lan rộng.

Những động thái này trùng hợp với nhiều báo cáo cho thấy các kho dự trữ đạn dược đang thiếu hụt trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Ukraine nguy cơ mất nguồn cung vũ khí quan trọng từ Mỹ, Anh - 2

Binh sĩ Ukraine sử dụng bệ phóng với tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Donetsk, Ukraine hồi tháng 12/2021 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Asia Times dẫn một nguồn tin thân cận cho biết đang xảy ra tình trạng thiếu hụt sản xuất đạn pháo 155mm - loại vũ khí hạng nặng chính mà NATO cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, Ba Lan - nước ủng hộ lớn mạnh cho Ukraine và là đối thủ của Nga - đang đi mua vũ khí mới từ một đối tác rất xa của NATO: Hàn Quốc.

Ngoài một thỏa thuận kỷ lục vào tháng 7 với hàng trăm xe tăng và pháo tự hành, cũng như nhiều máy bay chiến đấu phản lực, một thương vụ khác dành cho các nhà cung cấp vũ khí Hàn Quốc đã được công bố vào tuần trước. Theo đó, Ba Lan đã hoàn tất đàm phán với Hàn Quốc để mua 288 hệ thống tên lửa phóng loạt tự hành K239 Chunmoo.

Không chỉ Ba Lan, theo các nguồn tin, hiện một số nước châu Âu sẽ gặp khó trong việc nhanh chóng bổ sung kho vũ khí bởi họ không có ngành công nghiệp quốc phòng đủ mạnh để nhanh chóng sản xuất các hệ thống thay thế.

Nhiều nước vẫn chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Vì vậy, họ đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: đó là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hay giữ lại chúng để đảm bảo an ninh quốc gia. 

Theo Asia Times