Thụy Điển “hại đơn, hại kép” vì chiến lược chống Covid-19 khác biệt
(Dân trí) - Chiến lược chống đại dịch thả lỏng của Thụy Điển không chỉ khiến quốc gia này ghi nhận số ca tử vong cao mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng dù vẫn vận hành bình thường.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở châu Âu, Thụy Điển đã thu hút sự chú ý từ dư luận quốc tế khi tiến hành chiến lược chống dịch khác biệt là không phong tỏa nghiêm ngặt. Nước này chống dịch dựa vào niềm tin rằng ý thức người dân nước này đủ tốt và họ sẽ tự giác tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội cần thiết trong bối cảnh trường học, nhà hàng và các hoạt động vẫn vận hành bình thường.
Tuy nhiên, theo New York Times, sau vài tháng tiến hành chiến dịch “đi ngược với số đông”, cách chống dịch của Thụy Điển dường như đã trở thành bài học cảnh giác cho các quốc gia khác trong cuộc chiến ngăn Covid-19.
So với các nước láng giềng ở Bắc Âu áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ, Thụy Điển ghi nhận số ca tử vong ở mức khá cao. Nước này hiện có hơn 73.000 ca Covid-19 và số người chết vượt mốc 5.400. Con số này cao hơn hẳn so với các nước láng giềng, vốn có vài trăm người chết vì dịch.
Thêm vào đó, nền kinh tế Thụy Điển cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Họ gần như không đạt được gì”, chuyên gia Jacob F. Kirkegaard từ Viện kinh tế quốc tế Peterson tại Washington, Mỹ nhận định. Ông cho rằng Thụy Điển mặc dù ghi nhận số người chết ở mức cao, nhưng họ không đạt được lợi ích về mặt kinh tế.
Trải nghiệm của Thụy Điển một phần nào đó đang diễn ra tương tự tại một số nơi trên thế giới. Tại Mỹ - vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, chính phủ liên bang vẫn đang kêu gọi các bang sớm mở cửa kinh tế trở lại dù tốc độ lây lan vẫn đang ở mức báo động.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson - người đã từng mắc Covid-19 - đã cho mở lại quán rượu và nhà hàng trong cuối tuần qua nhằm hồi phục kinh tế.
Theo New York Times, nhiều chính phủ có quan điểm rằng họ cần cân bằng giữa mục tiêu cứu mạng sống song song với mục tiêu hồi phục và duy trì kinh tế.
Tuy nhiên, theo New York Times, kết quả của Thụy Điển trong vài tháng qua cho thấy một bài học: Không thực hiện giãn cách xã hội bài bản có thể dẫn tới kịch bản "hại đơn, hại kép" khi cả mạng sống của người dân và nền kinh tế đều bị ảnh hưởng.
Thiệt hại kinh tế
Nếu các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch, Na Uy chọn giãn cách xã hội một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt, cách tiếp cận của Thụy Điển lại nghiêng về hướng vẫn để nền kinh tế vận hành bình thường.
Hơn 3 tháng sau, Thụy Điển có 5.420 người chết. Con số này có thể nhỏ so với hơn 130.000 người tử vong ở Mỹ. Tuy nhiên, dân số Thụy Điển chỉ là 10 triệu người. Xét theo tỉ lệ tử vong bình quân trên một triệu đân, Thụy Điển có chỉ số hơn 40% so với Mỹ, cao gấp 12 lần Na Uy, 7 lần so với Phần Lan và 6 lần so với Đan Mạch.
Tuy nhiên, nền kinh tế của Thụy Điển cũng chứng kiến tình trạng ảm đạm không kém dù nó vẫn vận hành bình thường trong dịch. Ngân hàng trung ương Thụy Điển ước tính nền kinh tế nước này có thể sụt giảm 4,5% trong năm nay, so với mức kỳ vọng tăng trưởng 1,3% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,1% hồi tháng 3 lên 9% vào tháng 5.
Tại Đan Mạch, ngân hàng trung ương nước này dự đoán nền kinh tế sẽ bị sụt giảm 4,1% và tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 4,1% lên 5,6%.
Nói một cách khác, Thụy Điển hứng chịu tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn nhưng lại không đạt được lợi ích về mặt kinh tế so với các nước láng giềng khi áp dụng biện pháp chống dịch khác biệt.
Thêm vào đó, việc các nước đều đóng cửa biên giới và các hoạt động kinh doanh đình trệ trên thế giới đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Thụy Điển vì họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, việc người dân nước này thắt chặt chi tiêu do lo ngại đại dịch cũng khiến nền kinh tế nước này tiếp tục bị tác động.
Trong khi đó, nước láng giềng Na Uy đã nhanh chóng siết chặt phong tỏa và sớm nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại khi tình hình dịch bệnh đã ổn định. Ngân hàng trung ương Na Uy dự đoán kinh tế nước này có thể bị suy thoái 3,9% trong năm nay, giảm so với mốc 5,5% được đưa ra trong lúc quốc gia Bắc Âu đang trong tình trạng phong tỏa.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cách tiếp cận của Thụy Điển đường như làm giảm nhẹ thiệt hại về kinh tế ở giai đoạn đầu so với các nước láng giềng, nhưng về lâu dài, biện pháp này không tạo nên sự khác biệt vì đại dịch đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và Thụy Điển không thể nằm ngoài cuộc.
Đức Hoàng
Theo New York Times