1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông công cộng với Việt Nam

(Dân trí) - Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg cùng đại diện các công ty đến từ nước Bắc Âu đã gặp mặt các chuyên gia, quan chức đầu ngành giao thông Việt Nam và chia sẻ những bài học bổ ích về kinh nghiệm của quốc gia Bắc Âu trong việc xây dựng và quản lý nền giao thông công cộng bền vững.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg (hàng trên, thứ 2 từ bên trái) (Ảnh: Đức Hoàng)
Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg (hàng trên, thứ 2 từ bên trái) (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 7/5, nhân chuyến thăm của Đoàn thương mại Thụy Điển về chủ đề Thành phố bền vững, Đại sứ quán Thụy Điển và tổ chức Business Sweden đã tổ chức cuộc thảo luận bàn tròn về chủ đề vận hành và quản lý giao thông công cộng bền vững tại Việt Nam.

Đại sứ Pereric Högberg cho rằng Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Năm 2014, khoảng 37% dân số VIệt Nam sinh sống ở các đô thị. Sau 11 năm, năm 2025, con số này dự kiến tăng lên 50%. Hơn nữa, với định hướng của chính phủ hướng tới mục tiêu đô thị bền vững, giao thông công cộng trở thành một trong những nhân tố quan trọng chiến lược nhằm hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân.

Tới năm 2020, Việt Nam hướng tới mục tiêu 20% xe buýt và xe taxi sử dụng nhiên liệu sạch như LPG, CNG và năng lượng mặt trời. Phía Thụy Điển đánh giá cao những nỗ lực và mục tiêu của Việt Nam trong định hướng phát triển bền vững, hướng tới tương lai và bày tỏ quan điểm sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm của một nước phát triển đi trước và hy vọng Việt Nam có thể nghiên cứu và cân nhắc sử dụng.

Tại cuộc trao đổi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã nêu ra một số thành tựu của ngành vận tải hành khách công cộng Việt Nam như tập trung phát triển hệ thống mạng lưới giao thông công cộng với hệ thống xe buýt, tàu nội đô, xe buýt nhanh (BRT) và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Cùng với đó, Việt Nam đã ứng dụng một số công nghệ khoa học kỹ thuật bước đầu như tạo các ứng dụng cho người dùng xe buýt, bản đồ số sử dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS, các hệ thống phần mềm quản lý.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Thọ cũng đánh giá việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng còn gặp nhiều khó khăn khi có sự “lệch pha” giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị, dẫn tới sự phát triển mất cân đối giữa 2 hạng mục quan trọng, và tình trạng thiếu quỹ đất xây dựng các công trình giao thông công cộng. Ngoài ra, việc gia tăng số lượng phương tiện cá nhân với tốc độ trung bình khoảng 12%/năm là mức độ khá lớn, phần nào ảnh hưởng tới mục tiêu vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Theo ông Thọ, vấn đề ùn tắc giao thông ở khu vực đô thị, ô nhiễm môi trường, xả khí thải và năng lượng bền vững cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cũng là những vấn đề Việt Nam quan tâm và mong muốn lắng nghe ý kiến từ Thụy Điển.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ (hàng trên, thứ 3 từ bên phải) (Ảnh: Đức Hoàng)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ (hàng trên, thứ 3 từ bên phải) (Ảnh: Đức Hoàng)

Tại hội thảo, các chuyên gia tới từ các công ty hàng đầu Thụy Điển như ABB, Errison, Volvo, Axis và Roxtec đã chia sẻ những kinh nghiệm và công nghệ mà nước này đang sử dụng, như các nhóm giải pháp tuyên truyền giúp tăng lưu lương người sử dụng giao thông công cộng hướng tới bảo vệ môi trường, và tận dụng các công nghệ hàng đầu thế giới như Internet vạn vật (IoT), công nghệ đường truyền tiên tiến.

Các kinh nghiệm khác có thể kể tới như việc sử dụng các phương tiện công cộng giảm thiểu chạy bằng nhiêu liệu có xả thải cac-bon, hệ thống thông tin quản lý mạng lưới giao thông công cộng đồng thời tích hợp mạng lưới cảm biến đo đạc các thông số môi trường như tiếng ồn, chất lượng không khí, nguồn nước.

Các chuyên gia Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cũng như nhận những ý kiến tham vấn và chia sẻ từ phía Thụy Điển. Hai bên nhất trí rằng để kế hoạch hoạt động thật sự hiệu quả cần có những kế hoạch có tầm nhìn dài hơi và bền vững. Phía Thụy Điển bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các dự án để kích thích tiềm năng phát triển mối quan hệ song phương bền chặt giữa 2 nước.

Đức Hoàng