1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thụy Điển “hiến kế” bảo vệ môi trường với Việt Nam

(Dân trí) - Nhân dịp sang Việt Nam tham dự một sự kiện về tài nguyên nước, đoàn đại biểu cấp cao gồm các quan chức và chuyên gia Thụy Điển đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học quý báu về phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.


Đại sứ đặc trách Biến đổi Khí hậu toàn cầu của Thụy Điển Lars Ronnas (bên trái) trong cuộc trao đổi với báo chí tại Hà Nội ngày 6/3 (Ảnh: Đức Hoàng)

Đại sứ đặc trách Biến đổi Khí hậu toàn cầu của Thụy Điển Lars Ronnas (bên trái) trong cuộc trao đổi với báo chí tại Hà Nội ngày 6/3 (Ảnh: Đức Hoàng)

Từ ngày 4/3, phái đoàn cấp cao Thụy Điển tới Việt Nam tham dự Tuần lễ Nước quốc tế do Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam tổ chức. Nhân dịp này, Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức một buổi trao đổi với giới truyền thông Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm Thuỵ Điển về phát triển bền vững và các khuyến nghị đối với Việt Nam.

Tham dự buổi trao đổi có ngài Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, Đại sứ đặc trách Biến đổi Khí hậu toàn cầu của Thụy Điển Lars Ronnas, cùng các quan chức, và những người đứng đầu các cơ quan bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên của Thụy Điển.

Phát biểu với báo chí, ông Ronnas nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu không phải là câu chuyện của tương lai mà điều đó đang xảy ra. Ông cho biết, Thụy Điển, một quốc gia ở Bắc Âu, đã chứng kiến các hiện tượng băng tan và nước biển dâng cao do trái đất nóng lên. Và các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối diện với bài toán phát triển bền vững hướng tới tương lai.

Vì vậy, ông Ronnas kêu gọi các quốc gia khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế hãy không chỉ suy nghĩ về lợi ích hiện tại mà nên suy nghĩ về lợi ích có thể mang tới cho thế hệ kế tiếp. Ông trích dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại hội nghị Thượng đỉnh G20 (Đức) năm ngoái rằng nếu các quốc gia đầu tư một cách thông minh và chính xác vào các giải pháp về khí hậu, họ có thể phát triển nền kinh tế một cách hiệu quả hơn.

Trong 25 năm qua, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Thụy Điển là 58% và trong khi tỉ lệ khí thải nhà kính giảm tới 22%. Ông Ronnas nhấn mạnh những con số này cho thấy quan điểm phát triển kinh tế thì phải “hy sinh” môi trường là không chính xác.

Ông Ronnas cùng các quan chức và chuyên gia Thụy Điển cũng chia sẻ về các mô hình và ý tưởng mới mà quốc gia Bắc Âu đã áp dụng và đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như chính sách đánh thuế việc xả thải carbon, các hệ thống ưu đãi xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Thụy Điển còn ban hành bộ luật riêng về bảo vệ môi trường và cải tổ nền kinh tế giúp thích ứng với khí hậu.

Ông Phil Graham, Giám đốc dự án quốc tế, Viện Khí tượng Thuỷ văn Thụy Điển, đánh giá Việt Nam có đóng góp tích cực trong nỗ lực quốc tế về giảm khí thải và đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vì đang trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng và ông Graham cảnh báo rằng tốc độ đô thị hóa của Việt Nam có thể tăng tới 50% vào năm 2050, so với mức 35% hiện tại. Điều này có thể tác động tới thiên nhiên và môi trường. Chuyên gia này cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên bắt đầu suy nghĩ về chiến lược xây dựng và phát triển với tầm nhìn hướng tới tương lai.

Với những thành tựu đáng tự hào, các quan chức và chuyên gia Thụy Điển mong muốn có thể hợp tác với Việt Nam từ các cấp cơ quan chính phủ cũng như giữa các doanh nghiệp từ 2 quốc gia. Các hãng mục mà Thụy Điển đang mong muốn “bắt tay” cùng Việt Nam có thể kể tới như dự án tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, các dự án hỗ trợ khai thác bền vững hệ thống sông ngòi, cũng như các giải pháp về biển và hàng hải.

Đức Hoàng