1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng viện Mỹ ngăn chặn khả năng dỡ bỏ trừng phạt Nga

Hai Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa mới đây tuyên bố sẽ trình lên Thượng viện dự luật nhằm ngăn chặn khả năng Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.

Hai chính trị gia này khẳng định có một số thượng nghị sỹ khác ủng hộ quan điểm của họ. Điều này cho thấy, quan điểm tích cực về quan hệ với Nga của tân Tổng thống Mỹ đã khiến các Thượng nghị sĩ nước này bất an.

Phát biểu trong chương trình "This Week” được phát trên kênh truyền hình ABC, hai Thượng nghị sĩ Schumer và McCain nêu rõ, Thượng viện Mỹ sẽ cố gắng ngăn chặn các “thỏa thuận” giữa người đứng đầu Nhà Trắng và giới lãnh đạo Nga về khả năng mà Tổng thống Trump đã đề cập trước đó.

Ông Schumer nói: “Nếu như bãi bỏ các lệnh trừng phạt thì Nga sẽ tiếp tục can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta và sẽ thực hiện các hành động tiêu cực khác. Và điều đó cũng là tín hiệu cho Trung Quốc và Iran”. Còn ông McCain thì có lập trường cứng rắn hơn khi nhấn mạnh “chúng ta cần tiếp tục các lệnh trừng phạt chống lại nước Nga. Chúng ta sẽ không thể giảm bớt các biện pháp này”.

Cả hai chính trị gia khẳng định, có một số thượng nghị sỹ khác ủng hộ họ, trong đó có Ben Cardin thuộc phe Dân chủ và Lindsey Graham thuộc phe Cộng hòa. Tuy vậy, dự luật trên của Thượng viện sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, nếu ông quyết định bỏ phiếu về vấn đề này.

Tuyên bố này của các Thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra không lâu sau khi vị tân chủ nhân Nhà Trắng tiết lộ với Nhật báo The Times của Anh rằng, các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga có thể là bước đầu tiên hướng tới việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moskva.

Theo đó, Tổng thống Trump đề nghị chấm dứt trừng phạt Nga về vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea để đổi lại một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân với Moscow. Tuy nhiên, phía Nga nêu rõ rằng, hai vấn đề này quá khác biệt để có thể liên kết với nhau và sự phức tạp trong kiểm soát vũ khí hạt nhân là một trong nhiều thách thức tồn tại giữa Moskva và Washington.

Hai Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa John McCain (trái) và Lindsey Graham. Ảnh: AP
Hai Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa John McCain (trái) và Lindsey Graham. Ảnh: AP

Về quan hệ Nga – Mỹ, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin – ông Dmitry Peskov chỉ ra rằng, có những “ảo tưởng” hy vọng rằng, mối quan hệ này dưới thời ông Trump sẽ hoàn toàn không còn bất đồng. Tuy vậy, dù có thể còn những sự khác biệt nhưng điều quan trọng, mối quan hệ song phương có phát triển thành công hay không phụ thuộc vào khả năng giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán.

Ông Peskov lưu ý rằng, sự khác nhau trong lực lượng hạt nhân của Nga và Mỹ là những điều cần cân nhắc kỹ trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, trong chừng mực nào đó, Moskva cần một mối quan hệ tốt với Washington để có thể giải quyết các vấn đề tồn tại trên thế giới cũng như trong khu vực, vốn có thể đe dọa nền an ninh nước Nga.

Quan chức này khẳng định, nếu không có sự hợp tác với Mỹ, Nga khó lòng giải quyết triệt để các vấn đề trên. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì bày tỏ hi vọng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ hành xử thông minh với Nga, sẽ có “hành động thông minh hơn, cân nhắc hơn và có trách nhiệm hơn” trong mối quan hệ với Nga và Moskva sẵn sàng góp phần cải thiện mối quan hệ này.

Thủ tướng Medvedev chỉ ra rằng, chính quyền của ông Barack Obama đã hoàn toàn phá hoại quan hệ Nga - Mỹ và đẩy mối quan hệ này xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Theo đó, Mỹ chỉ giải thích hành động của họ trên vũ đài quốc tế bằng những lý lẽ, lập luận vì lợi ích của riêng họ, nhưng lại phi lý ở chỗ không để ý tới lợi ích của quốc gia khác.

Thủ tướng Nga nêu rõ, Moskva hy vọng vào hành động thông minh hơn, cân nhắc hơn và có trách nhiệm hơn của chính quyền Mỹ mới, dưới thời Tổng thống Trump, đồng thời sẵn sàng góp phần cải thiện mối quan hệ này.

Trong một diễn biến liên quan, theo tờ Wall Street Journal, Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, ông Michael Flynn đang nằm trong tầm ngắm của các nhân viên phản gián Mỹ, những người đang tiến hành điều tra những cuộc liên lạc giữa cố vấn quân sự hàng đầu này với các quan chức Mỹ.

Theo đó, ông Flynn đang bị điều tra trong khuôn khổ chiến dịch kiểm tra phản gián về những cuộc liên lạc giữa các thành viên trong Chính phủ Nga và nhóm thân cận của ông Trump. Các báo cáo của Mỹ cũng cho thấy ông Flynn đã điện đàm với Đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak vài lần trong ngày trước khi ông Obama công bố các biện pháp trừng phạt do các vụ tấn công mạng của Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ.

Trong khi đó, thư ký báo chí của ông Trump, Sean Spicer cho biết ông Flynn đã nói chuyện với vị đại sứ Nga vào ngày Giáng sinh, gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh và năm mới.

Cuộc điện đàm Nga – Mỹ sẽ sớm diễn ra

Ngày 23-1, Điện Kremlin cho biết, Nga hy vọng sẽ sớm nhất trí về thời điểm tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, song cho biết hiện không có thông tin nào về việc ông Putin và ông Trump có thể tổ chức cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, sự liên lạc giữa Moskva và Washington về ngày tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên đang được Bộ Ngoại giao Nga xử lý.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân