Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi phi công phương Tây đến Ukraine điều khiển F-16
(Dân trí) - Dù đã nhận được tiêm kích F-16 từ phương Tây nhưng Ukraine vẫn đang đối mặt với thách thức thiếu phi công có thể vận hành những máy bay chiến đấu này.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã kêu gọi các phi công phương Tây đến và "chiến đấu vì tự do" ở Ukraine cho đến khi Kiev có thể đào tạo phi công của riêng mình. Trong khi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đã bắt đầu đến Ukraine, hiện tại Kiev vẫn chưa có đủ phi công để lái chúng.
"Nếu bạn là một phi công F-16 đã nghỉ hưu và bạn muốn chiến đấu vì tự do, họ (Ukraine) sẽ thuê bạn ở đây", ông Graham kêu gọi trong một cuộc họp báo ở Kiev vào ngày 12/8.
"Họ sẽ tìm kiếm khắp các quốc gia NATO những phi công chiến đấu đã nghỉ hưu sẵn sàng đến giúp họ, cho đến khi họ có thể đào tạo được phi công của mình. Những chiếc máy bay này sẽ xuất kích chiến đấu sớm nhất có thể", ông cho biết.
Một loạt các quốc gia phương Tây, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 80 máy bay chiến đấu F-16.
Được đưa vào sử dụng từ năm 1978, F-16 hiện được hơn 20 quốc gia vận hành, mặc dù nhiều quốc gia đang cho nghỉ hưu những tiêm kích này để chuyển sang sử dụng F-35 hiện đại hơn.
Ukraine đã xác nhận vào đầu tháng 8 rằng lô máy bay F-16 đầu tiên đã đến nước này và đã được các phi công Ukraine lái. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nói có bao nhiêu máy bay phản lực đã được chuyển đến.
Hiện vẫn chưa có thông tin cho thấy F-16 đã xuất kích. Ông Zelensky thừa nhận rằng Ukraine không có đủ phi công để lái tất cả các máy bay phản lực mà phương Tây đã cam kết viện trợ, nhưng nói rằng "nhiều người đang được đào tạo".
Vào tháng 6, một quan chức Lầu Năm Góc đã nói với Politico rằng tổng cộng 20 phi công F-16 của Ukraine dự kiến sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng một nửa so với con số cần thiết để lập ra một phi đội F-16.
Ngoài ra, F-16 có đặc điểm là cần đường băng sạch sẽ và trơn tru để hoạt động. Với việc các sân bay của Ukraine thường xuyên bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, một số quan chức Ukraine đã đề xuất triển khai các máy bay chiến đấu này tại các căn cứ không quân ở các nước NATO lân cận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ căn cứ nào có máy bay F-16 của Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga, trong khi Điện Kremlin tuyên bố rằng không có vũ khí nào của phương Tây có thể giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Trong khi đó, giới chức Mỹ nhiều tháng qua cảnh báo rằng F-16 sẽ không mang lại sự khác biệt quá lớn cho Ukraine trên chiến trường như kỳ vọng của phía Kiev.
Mặc dù các máy bay phản lực "sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng mà hiện tại họ chưa có… nhưng nó sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi một cách rõ rệt theo quan điểm của tôi", Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết.