1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thượng đỉnh Putin - Biden: Cơ hội vàng tháo "ngòi nổ" căng thẳng

Thanh Thành

(Dân trí) - Thế giới đang đổ dồn sự chú ý tới Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, diễn ra hôm nay, 16/6, tại Geneva (Thụy Sĩ).

Thượng đỉnh Putin - Biden: Cơ hội vàng tháo ngòi nổ căng thẳng - 1

Ông Biden và Putin từng gặp nhau khi ông Biden còn làm cấp phó thời Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: AFP).

Giới quan sát cho rằng đây sẽ không phải là một cuộc gặp gỡ nồng ấm. Trên thực tế, tình hình thực tế hiện nay củng cố cho nhận định này.

Đầu tiên, Nga mới đây đã đưa Mỹ vào danh sách chính thức "các quốc gia không thân thiện". Cả hai nhà lãnh đạo đều mô tả mối quan hệ đang ở mức thấp nhất và cả hai hiện cũng không có đại sứ tại nước kia. Các quan chức cấp cao của Nga cũng đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ vì mọi vấn đề, từ việc sáp nhập Crimea cho đến cáo buộc can thiệp bầu cử. Trong khi đó, hai cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hiện đang ngồi tù ở Nga, trong đó có người phải thụ án 16 năm, với cáo buộc gián điệp.

Và đỉnh điểm căng thẳng là vào thời điểm tháng 3 vừa qua khi ông Biden đồng ý với một đánh giá tiêu cực và người đồng cấp Nga.

Tuy nhiên, việc hai nhân vật quyền lực cuối cùng nhất trí sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh đã được xem là "một thành tựu". BBC dẫn lời ông Andrei Kortunov, Giám đốc tổ chức RIAC ở Moscow (Nga), cho rằng: "Hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, nó đặt Nga vào cùng đẳng cấp với Mỹ, và đối với Tổng thống Putin, đây là điều quan trọng".

Cuộc gặp trực tiếp này diễn ra chỉ sau vài tháng khi ông Biden lên nắm quyền, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng và theo lời đề nghị của phía Nga. Tất cả đều cho thấy, đó thật sự là "điểm thưởng" cho Điện Kremlin. Đây cũng là một hội nghị thượng đỉnh chính thức được lên kế hoạch đầy đủ chứ không phải là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi bên lề một số sự kiện khác.

Và bất chấp chương trình nghị sự dày đặc với các nhà lãnh đạo NATO ở Brussels (Bỉ), ông Biden vẫn thật sự chú trọng cho cuộc gặp trực tiếp với ông Putin vào ngày 16/6 trước khi kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

"Ông Putin chắc chắn muốn được tôn trọng theo các điều khoản của mình và muốn "khoe cơ bắp", nhà phân tích chính trị Lilia Shevtsova nhận định.

Kỳ vọng ở Geneva

Việc lựa chọn Geneva cũng dễ khiến hồi tưởng đến bối cảnh cuộc gặp gỡ trong Chiến tranh Lạnh năm 1985: đó là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và người đồng cấp Nga Mikhail Gorbachev.

Cuộc gặp giữa ông Reagan và ông Gorbachev được coi là bước ngoặt dẫn đến kết thúc Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, dư luận đang dồn sự chú ý tới hội nghị thượng đỉnh Putin- Biden lần này, vốn được đánh giá là cơ hội vàng để hai bên tháo ngòi nổ căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, không có nhiều triển vọng về sự tan băng sau cuộc gặp sắp tới.

Nhà Trắng ngày 14/6 cho biết, mục tiêu của họ là tìm kiếm mối quan hệ "ổn định" và "có thể đoán định" với Nga.

Hồi cuối tuần này, phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Putin tuyên bố: "Đây là các vấn đề mà chúng ta có thể hợp tác hiệu quả", khi nói đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, thảo luận về các cuộc xung đột khu vực bao gồm Syria và Libya, và biến đổi khí hậu. Ông Putin lập luận, "nếu chúng ta có thể tạo ra các cơ chế hợp tác trong các vấn đề đó sau hội nghị thượng đỉnh thì tôi nghĩ có thể khẳng định cuộc gặp gỡ đã thực sự hữu ích".

Một số ý kiến ở Nga cho rằng, cả hai nên đình chiến ngoại giao. Mỹ đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Moscow trong những năm gần đây. Đáp lại, các phái bộ của Mỹ tại Nga bị cấm tuyển dụng người dân địa phương, đồng nghĩa với việc các dịch vụ ngoại giao sẽ cắt giảm đáng kể bao gồm cả việc cấp thị thực.

Theo các nguồn tin, Nga có thể cho phép đại sứ trở lại Mỹ như một động thái thiện chí tối thiểu. Mỹ cũng sẽ cải thiện số phận của các tù nhân của họ ở Nga, bao gồm cả Paul Whelan, người đã bị bắt vào năm 2018 và bị kết tội gián điệp. Nga gần đây đã tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi tù nhân - nhưng Mỹ cho đến nay vẫn chưa nhất trí với các điều khoản của Moscow.

Nhân tố Nga chi phối hội nghị NATO

Tổng thống Biden đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 14/6 với hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như tham khảo ý kiến các đồng minh châu Âu về nỗ lực đối phó Nga và Trung Quốc.

Với các đồng minh, ông Biden đã tuyên bố trấn an rằng, chương 5 của NATO, trong đó nêu rõ một cuộc tấn công có vũ trang nhằm vào một thành viên cũng là cuộc tấn công nhằm vào tất cả những thành viên còn lại của khối là "cam kết bất khả xâm phạm".

Nhà Trắng cho biết, các thành viên liên minh sẽ ký tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị, dự kiến sẽ bao gồm việc công bố điều 5 mới, trong đó có thêm các cuộc tấn công mạng lớn - một vấn đề ngày càng được quan tâm trong bối cảnh đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ Mỹ và các công ty lớn, những vụ việc vốn đều cáo buộc tội do tin tặc Nga.

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, điều 5 mới sẽ chỉ ra rằng: nếu một thành viên liên minh cần hỗ trợ kỹ thuật hoặc tình báo để đối phó với một cuộc tấn công mạng thì họ sẽ có thể viện dẫn điều khoản phòng vệ để nhận được sự hỗ trợ từ các nước trong NATO.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm