1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thương chiến với Mỹ: Trung Quốc không còn đường lùi?

Với việc cả hai nước đều tuyên bố sẽ không nhượng bộ, kinh tế thế giới đang phải vất vả chuẩn bị cho một cơn dư chấn tiếp theo từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Hôm 24-8, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), tuyên bố trong một bài xã luận rằng Bắc Kinh sẽ “chiến đấu tới cùng”, đồng thời chỉ trích đòn thuế. Theo tờ này, TQ sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước trong khi lợi ích cơ bản của người dân sẽ không bị phá vỡ.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter rằng mức thuế 25% áp lên 250 tỉ USD hàng TQ hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1-10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỉ USD hàng TQ khác sẽ tăng lên 15%. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc vụ viện TQ tuyên bố nâng mức thuế 5%-10% đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1-9 tới.

Thương chiến tỏa nhiệt

Phòng Thương mại Mỹ cùng các hiệp hội công nghiệp khác đã phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự “thù địch”. “Ngài tổng thống, chúng tôi mong ngài hãy chấm dứt chuỗi đánh thuế này trước khi nó gây ra những tổn hại không thể khắc phục được” - Brian Dodge, người đứng đầu Hiệp hội Lãnh đạo các nhà bán lẻ công nghiệp, nói sau tuyên bố tăng thuế đối với 550 tỉ USD hàng hóa TQ. “Các đòn leo thang thuế quan của tổng thống đã làm chao đảo thị trường Mỹ. Nếu bất ổn lan rộng, chắc chắn là người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tác động chứ không phải TQ” - Dodge khẳng định .

Trả lời hãng tin CNN, hai chuyên gia kinh tế Stephen Collinson và Donna Borak quan ngại bước leo thang mới nhất giữa hai cường quốc sẽ tăng thêm áp lực lên kinh tế toàn cầu vào thời điểm xuất hiện rủi ro suy thoái. Bên cạnh đó, năm 2020 chỉ còn cách vài tháng nữa với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường còn là một dấu hiệu nguy hiểm đối với sự ổn định của trật tự thế giới hiện tại, vốn đang bị sự trỗi dậy của TQ làm suy yếu.

Kể từ cuộc gặp Trump-Tập bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Buenos Aires (Argentina) hồi năm 2018, các chuyên gia đã lo sợ về khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nếu họ không thể giải quyết các bất đồng. Lãnh đạo hai nước sẽ còn một lần gặp mặt trực tiếp nữa vào Hội nghị thượng đỉnh hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng 11-2019 nhưng với tình hình xấu đi như hiện nay, việc hai bên dành cho nhau cái bắt tay nồng ấm khá mong manh.

“Điều này đã trở thành một quá trình không có mục tiêu cụ thể, không có chiến lược cụ thể và cũng không có điểm kết cụ thể. Thương chiến càng kéo dài sẽ càng làm ảm đạm thêm bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nó khiến bất ổn mới chồng chất lên những bất ổn hiện hữu” - Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, đánh giá.

Thương chiến với Mỹ: Trung Quốc không còn đường lùi? - 1

Thế giới đang chứng kiến một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trung Quốc tung đòn hiểm, Mỹ khó chống đỡ

“Khi ông Trump tiếp tục dọa nạt TQ, Bắc Kinh sẽ cố gắng chứng minh ngược lại với thế giới rằng họ là người tốt” - chuyên gia Bill Reinsch, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho biết một lý do khác khiến việc xuống thang thương chiến gần như bất khả ở thời điểm hiện tại là bởi hai bên chưa cảm nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nàođược đảm bảo về mặt chính trị. Cả hai nhà lãnh đạo đều đang phải đối mặt với áp lực nhất định từ trong nước.

“Cuộc chiến đã diễn biến trở thành một cuộc đấu xem ai sẽ là người “chịu đau” giỏi hơn. Mỹ có ưu thế về sức mạnh thương mại nhưng Bắc Kinh không phải lo chuyện có tái đắc cử vào năm sau như Tổng thống Trump. Bắc Kinh đang đánh cược vào khả năng ông Trump không thể chịu nổi đánh thuế kéo dài ở Mỹ” - ông Reinsch nhận định. Lợi dụng điểm này, TQ đã nhắm vào nông nghiệp - ngành đặc thù của Midwestern, khu vực quan trọng mà ông Trump cần để tái đắc cử.

Theo hãng tin Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 23-8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 623,34 điểm (2,4%), còn 25.628,90 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 3%, còn 7.751,76 điểm. Chỉ số S&P mất 2,6%, còn 2.847,11 điểm. Ngày 23-8 cũng được đánh giá là ngày thị trường chứng khoán Mỹ tồi tệ nhất kể từ ngày 14-8 tới nay. 

Cuộc chiến thương mại với TQ có thể đem lại lợi thế nào đó về chính trị cho ông Trump trước thềm cuộc bầu cử 2020 nhưng nó cũng đe dọa làm tổn hại thêm nền kinh tế Mỹ khi mà TQ không ngại đáp trả tới cùng.

Được biết nhà nghiên cứu Gao Lingyun tại Viện Khoa học và Xã hội TQ nói với hãng tin Bloomberg rằng đòn thuế đã được lựa chọn kỹ lưỡng: “Đòn thuế TQ đề ra có hiệu quả tức thời, trong khi các mặt hàng tương tự của các quốc gia khác sẽ được giảm thuế”. “Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Washington không còn phương án đáp trả nào khác” - ông Gao nói, cũng nhấn mạnh rằng TQ đã né tránh tăng thuế đối với những mặt hàng có thể gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng đại lục như thuốc men và vaccine.

Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh còn có thể sử dụng công cụ tiền tệ, hạ thấp tỉ giá nhân dân tệ như vừa qua nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi vì có thể kích hoạt việc dòng vốn chảy ra ngoài TQ như đã từng diễn ra. Giới lãnh đạo nước này cũng có thể bán tháo hơn 1.200 tỉ USD trái phiếu Mỹ đang nắm giữ. Động thái này nếu được tung ra có thể tác động mạnh đến kinh tế và đồng USD nhưng đồng thời cũng có phản ứng ngược không kém với TQ.

TQ cũng có thể đơn phương đáp trả bằng các biện pháp tẩy chay hàng hóa như đã áp dụng đối với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhưng với Mỹ không đơn giản như vậy vì rất nhiều sản phẩm của các công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, General Motors... đều được sản xuất tại TQ, sử dụng nhiều lao động TQ.

G7 hy vọng tháo gỡ ngòi nổ thương mại Mỹ-Trung

Tổng thống Donald Trump hiện đã tới Biarritz của Pháp nằm bên bờ Đại Tây Dương cho hội nghị thượng đỉnh ba ngày của nhóm G7 (nhóm bảy nước công nghiệp phát triển). Những căng thẳng leo thang giữa hai bên đã khiến một số nước lo ngại, theo tờ The Wall Street Journal.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24-8 đã lên tiếng kêu gọi xuống thang thương chiến, nhấn mạnh đây là cuộc chiến mà tất cả các bên đều thiệt hại. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, quan ngại rằng: “Nếu ông Trump đang sử dụng thuế quan cho mục đích chính trị, đó sẽ là một nguy cơ cho cả thế giới và châu Âu”. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm nhiệt cuộc chiến thương mại với TQ.

“Tôi muốn thấy một ngành thương mại mở trên toàn cầu, tôi muốn thấy tình hình căng thẳng lắng dịu và tôi muốn thấy các khoản thuế quan (bổ sung) bị tháo gỡ” - ông Johnson nói hôm 24-8 trước khi dự sự kiện G7. 

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP. HCM