1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, ai thua cuộc?

Trong bối cảnh hiện tại, Mỹ hiện nắm trong tay nhiều lợi thế, trong khi Trung Quốc phải đối mặt trên cả mặt trận chính trị lẫn kinh tế.

Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, tỉ giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc (TQ) trong phiên giao dịch sáng 26-8 đã tụt xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Ở thị trường châu Á, NDT giảm 0,6% xuống mức 7,15 NDT đổi 1 USD. Còn tại thị trường ngoài TQ, NDT rớt giá hơn 0,7%, xuống mức thấp kỷ lục 7,185 NDT đổi 1 USD. Được biết tính từ đầu tháng 8, NDT đã trượt giá khoảng 3,6% do tình hình thương chiến Mỹ-Trung không ngừng leo thang.

TQ không đủ lực để duy trì thương chiến

Theo hãng tin Bloomberg, kinh tế TQ trong năm 2019 đã bộc lộ nhiều biểu hiện đáng báo động và nếu thương chiến kéo dài, nước này e rằng sẽ bị “hụt hơi”.

Hồi tháng 7, Cục Thống kê TQ vừa công bố dữ liệu GDP quý II-2019 với những con số khá thất vọng nhưng trùng khớp với dự báo của nhiều chuyên gia phương Tây. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của TQ chỉ còn 6,2% so với mức 6,4% của ba tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp lịch sử của TQ kể từ đầu năm 1992.

Một số chuyên gia còn lo ngại tăng trưởng kinh tế TQ có thể sẽ còn giảm trong các năm tiếp theo bởi nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề. Một trong số đó là những lợi thế sẵn có trước đây như chi phí nhân công thấp và thị trường lớn không còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, động lực mới như lĩnh vực công nghệ lại đang bị Mỹ đe dọa.

Mặt khác, dù phải đối diện với nhiều áp lực, Bắc Kinh vẫn phải cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định để tránh những bất ổn nội bộ. Trên thực tế, TQ đang đau đầu với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có sức cầu tiêu dùng trong nước giảm, nợ công khổng lồ và tài chính ngầm khó kiểm soát...

Làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài chạy khỏi TQ trong thời gian gần đây cùng với nguy cơ sụp đổ của các nhà máy TQ khi bên bán lẻ trên thế giới đẩy nhanh việc chuyển sản xuất ra khỏi TQ... cũng khiến số lượng việc làm tại đây giảm mạnh.

Theo tờ USA Today, khoảng 41% công ty Mỹ đang xem xét rời khỏi TQ hoặc đã làm như vậy. Các công ty này có thể lựa chọn những địa điểm thay thế như Đông Nam Á và Mexico. Con số này trong tương lai có thể sẽ tăng lên khi Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow xác nhận với đài CBS hôm 25-8 rằng ông Trump đủ thẩm quyền ép công ty Mỹ rời khỏi TQ trong trường hợp khẩn cấp.

Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, ai thua cuộc? - 1

Giữa hai nước, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải nhận nhiều thiệt hại hơn. Ảnh: FORBES

Mỹ cũng chịu thiệt hại

Cùng với tình hình ảm đạm của nền kinh tế TQ, Mỹ cũng phải nhận lấy những thiệt hại nhất định, trái với tuyên bố của ông Trump rằng thương chiến về lâu dài sẽ đem lại lợi ích và công bằng cho nước Mỹ.

Theo phân tích của trang tin Vox, thuế quan đã đẩy giá thành hàng hóa, đặc biệt nông sản Mỹ, lên quá cao khiến ít nhất 84 doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đệ đơn phá sản tính từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2019.

Cục Phân tích kinh tế Mỹ mới đây cũng ghi nhận đợt suy giảm tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ đầu tiên kể từ năm 2008 trong quý I-2019. Cơ quan này cảnh báo những đợt thuế từ TQ đã khiến Mỹ thiệt hại gần 40 tỉ USD một năm.

Trước đó, trong khảo sát ngày 19-8 của Hiệp hội Kinh tế Thương mại Mỹ, 34% nhà kinh tế được phỏng vấn khẳng định kinh tế Mỹ hiện đang chững lại và sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2021. Trước đó, con số này là 25% trong một khảo sát khác vào tháng 2. Ngoài ra, chỉ có 2% những người được hỏi cho rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào năm nay, trong khi 38% tin rằng sẽ xảy ra vào 2020.

Sự leo thang ăn miếng trả miếng này cho thấy thương chiến đã trở nên rất khó xuống thang. Ảnh hưởng của thuế quan mới lên tăng trưởng kinh tế của TQ sẽ là rất lớn.

Chuyên gia kinh tế LOUIS KUIJS   thuộc Công ty tư vấn tài chính Oxford Economics

Chiến thắng sẽ thuộc về ai?

Hôm 26-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Bắc Kinh đã chủ động gọi cho Washington, yêu cầu tái khởi động đàm phán thương mại hai nước trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung diễn biến xấu. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh.

Dù hy vọng đàm phán hòa bình lại một lần nữa mở ra, với việc đối thoại Mỹ - Trung đã có tiền lệ đổ vỡ trong quá khứ, câu hỏi cần được đặt ra là: Nếu đàm phán sắp tới tiếp tục thất bại và thương chiến tiếp tục kéo dài, ai sẽ là người chiến thắng?

Theo Bloomberg, về phía TQ, ổn định là lợi thế hàng đầu của nước này khi chính phủ can thiệp nhiều và kiểm soát chặt chẽ cả kinh tế và chính trị. Do vậy, các hậu quả cùng các thông tin tiêu cực về thương chiến sẽ được điều tiết và giảm thiểu tối đa. Tuy nhiên, tổn thất về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và ổn định của nước này.

Về phía Mỹ, nước này có quy mô nền kinh tế lớn hơn nhiều so với TQ. Trong số đó, tổng giá trị xuất khẩu chỉ chiếm 14%, theo thống kê năm 2018. Điều này chứng tỏ kinh tế Mỹ không quá phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Ngoài ra, xuất khẩu của TQ vào Mỹ luôn lớn hơn nhiều so với chiều ngược lại. Do đó, bất kỳ biện pháp áp thuế xuất khẩu nào của Bắc Kinh cũng sẽ không gây được tác động đáng kể như đòn thuế của Washington.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, có ảnh hưởng đáng kể đến tổng thể nền kinh tế của TQ, mặc dù các doanh nghiệp này chiếm chưa đến 3% số doanh nghiệp đang hoạt động ở đây. Theo Cục Thống kê nước này, doanh nghiệp nước ngoài đem lại gần 25% tổng lợi nhuận công nghiệp và đóng thuế góp 20% vào tổng thu ngân sách TQ.

Tại TP Quảng Châu, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 62% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Tại Thượng Hải, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 2/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 70% cho nền kinh tế Thâm Quyến. Nếu thực sự các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi TQ theo lệnh của ông Trump, mức thiệt hại đối với nền kinh tế TQ chắc chắn sẽ không thể lường trước được.

Đầu tư châu Á lao dốc vì thương chiến

Tờ The Nikkei ngày 25-8 cảnh báo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ khối doanh nghiệp vào các quốc gia châu Á đang chậm lại. Tờ này đánh giá châu Á đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng toàn cầu về các thiết bị điện tử. Thế nhưng doanh nghiệp đang dần “rụt tay” đối với hoạt động tại châu Á khi khả năng kết thúc thương chiến ngày càng thấp.

Số lượng dự án đầu tư mở các cơ sở kinh doanh mới tại châu Á đã giảm còn 1.365 trong nửa đầu năm 2019, thấp nhất trong 16 năm qua. The Nikkei nhận định nhiều doanh nghiệp đang chần chừ, không muốn đầu tư cơ sở xây dựng mới tại các quốc gia châu Á do thương chiến kéo dài khiến nhu cầu cho thiết bị điện tử giảm mạnh. 

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm