1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đàm phán thương mại khó đổ vỡ bất chấp Mỹ - Trung tung đòn áp thuế

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng đổ vỡ dù hai nước liên tục công bố các động thái trả đũa lẫn nhau thông qua việc áp thuế.

Đàm phán thương mại khó đổ vỡ bất chấp Mỹ - Trung tung đòn áp thuế - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6 (Ảnh: Getty)

Theo CNBC, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp hôm nay 26/8, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hoan nghênh mong muốn của ông Tập về việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

“Tối qua Trung Quốc đã gọi cho các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của chúng tôi và nói rằng “hãy quay lại bàn đàm phán”, vì thế chúng tôi sẽ quay lại bàn đàm phán và tôi nghĩ họ muốn làm điều gì đó”, Tổng thống Trump cho biết.

“Họ (Trung Quốc) đã bị tổn thương rất nặng nề nhưng họ đã hiểu đó là điều đúng đắn cần làm và tôi rất tôn trọng điều đó. Đây là diễn biến rất tích cực cho cả thế giới”, ông Trump nói thêm.

Trước đó, tại một hội thảo ở Trùng Khánh hôm nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong thời gian qua, nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Washington thông qua đàm phán với “thái độ bình tĩnh” và phản đối leo thang căng thẳng.

“Chúng tôi tin chiến tranh thương mại không có lợi cho Trung Quốc, Mỹ hay quyền lợi của mọi người trên thế giới”, ông Lưu Hạc nói, nhấn mạnh rằng các công ty Mỹ đặc biệt được chào đón ở Trung Quốc, và sẽ được đối xử tốt.

Tổng thống Trump hôm qua cho biết Mỹ và Trung Quốc vẫn rất hòa hợp và vẫn đang đàm phán.

“Thực sự chúng tôi rất hòa hợp với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang đàm phán. Tôi nghĩ họ muốn đạt được một thỏa thuận hơn cả tôi”, ông Trump phát biểu khi dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Đàm phán khó đổ vỡ?

Những tuyên bố “dịu giọng” của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại, sau khi hai nước liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau hồi tuần trước.

Theo William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, sự căng thẳng đang diễn ra trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể làm trật quỹ đạo của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Reinsch giải thích rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn bị coi là bên khiến các cuộc đàm phán thương mại bị đổ vỡ, từ đó ảnh hưởng tới hình ảnh chính trị của họ.

“Nếu ông Trump rút khỏi các cuộc đàm phán, đó sẽ là thất bại lớn đối với ông ấy. Ông ấy đã dành một năm đăng tweet (trên mạng xã hội Twitter) về việc chúng ta (Mỹ) đã đạt được tiến triển nhiều như thế nào và các cuộc đàm phán tuyệt vời ra sao… việc chấm dứt đàm phán bây giờ sẽ khiến ông ấy vấp phải sự chỉ trích nặng nề”, chuyên gia Reinsch nói với CNBC.

“Về phía Trung Quốc, họ cũng dành nhiều thời gian để tuyên bố rằng họ là những người tốt, họ tuân thủ luật lệ. Nếu họ rút khỏi các cuộc đàm phán, tôi nghĩ điều đó sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của họ. Ngoài ra nếu họ rút đi, điều đó sẽ cho phép ông Trump đổ lỗi cho họ, từ đó trao cho ông ấy một chút chiến thắng. Tôi không nghĩ họ muốn điều đó”, ông Reinsch nhận định.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán để đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề như: bảo vệ tài sản trí tuệ tại Trung Quốc, sự trợ cấp của chính quyền Trung Quốc đối với các công ty nhà nước và sự mất cân bằng trong thương mại song phương. Các cuộc đàm phán bị đổ vỡ hồi tháng 5 khi Tổng thống Trump tăng mức áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mới được nối lại gần đây, song có nguy cơ bị đổ vỡ lần nữa khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra thông báo về việc áp mức thuế mới lên hàng hóa của nhau.

Chiến thắng của ông Trump

Theo chuyên gia Reinsch, các đòn trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho tới khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống vào năm 2020.

“Từ quan điểm của ông Trump, ông ấy cần một chiến thắng. Tuy nhiên, ông ấy cần chiến thắng đó trong vòng một năm tới, chứ không phải bây giờ”, chuyên gia Reinsch nhận định.

Việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc trong vài tháng sắp tới cho phép người Mỹ có thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận đó trước khi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11/2020, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump.

“Nếu có một thỏa thuận đi chăng nữa, thì thỏa thuận đó cũng không được như ý muốn của ông Trump vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận toàn bộ yêu cầu do Mỹ đưa ra. Do vậy, nếu ông Trump đạt được thỏa thuận ngay từ bây giờ, hoặc vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới, sẽ chỉ mất một năm trước khi thỏa thuận đó sụp đổ. Mọi người sẽ nhìn ra những điểm yếu, họ sẽ biết liệu Trung Quốc có tuân thủ thỏa thuận hay không”, ông Reinsch giải thích.

“Động thái thông minh của ông Trump là tìm cách đạt được một thỏa thuận vào tháng 10/2020 vì lúc đó mọi người sẽ bỏ phiếu trước khi kịp nhận ra thỏa thuận đó là tốt hay không. Do vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những màn trả đũa lẫn nhau trong một năm tới, rồi sau đó ông ấy (Trump) mới cố gắng đạt được một thỏa thuận”, chuyên gia Reinsch phỏng đoán.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm