1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh yếu tố lòng tin trong hợp tác quốc tế

(Dân trí) - Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la (ảnh: Tuấn Anh)
Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chính tại Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra từ ngày 31/5-2/6/2013 tại Singapore.

 

Với tư cách là khách mời, diễn giả chính, tối 31/5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Trong phát biểu, Thủ tướng đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết khu vực đang diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, khu vực cũng đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

 

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn. Điều quan trọng trên hết của lòng tin chiến lược là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các nước, trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.

 

Trong phát biểu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò và đóng góp không thể thiếu của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương đối với hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực, qua đó đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một khi nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ và hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện; khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trước mắt là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
 
 
Hàng trăm đại biểu tề tựu từ rất sớm trước giờ khai mạc Đối thoại Shangri-la


Hàng trăm đại biểu tề tựu từ rất sớm trước giờ khai mạc Đối thoại Shangri-la (ảnh: Tuấn Anh)
 

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đông đảo đại biểu quốc tế quan tâm sâu sắc và có thể nói, bài phát biểu đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đề cập tới những vấn đề “nóng” liên quan tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Mặc dù 8h tối mới là thời điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2013, nhưng ngay từ trước 7h tối, sảnh chính khách sạn Shangri-la Singapore đã chật kín người. Hàng trăm đại biểu có mặt tại đây để trao đổi bên lề về những vấn đề quốc phòng, an ninh và quốc tế cùng quan tâm.

 

Trao đổi với PV Dân trí trước giờ khai mạc, nhiều đại biểu quốc tế bày tỏ sự trông đợi vào bài phát biểu sắp tới của Thủ tướng Việt Nam.

 

Ông Len Edwards, một nhà tư vấn chiến lược đến từ Canada, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới bài phát biểu sắp tới. Ông nói: “Tôi chờ đợi để nghe từ Việt Nam và Thủ tướng Việt Nam về những vấn đề an ninh quan trọng trong khu vực mà Việt Nam có liên quan. Là một đất nước đang phát triển nhanh chóng và thành viên ASEAN, Việt Nam có vai trò quan trọng then chốt trong khu vực, và tôi cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để nghe Thủ tướng Việt Nam phát biểu về kế hoạch của đất nước các bạn. Tôi cũng cho rằng, vấn đề giải quyết xung đột trong khu vực sẽ là một nội dung quan trọng mà Thủ tướng Việt Nam cần đề cập đến”.
 
Ông Len Edwards, nhà tư vấn chiến lược của Canada, trả lời phỏng vấn Dân trí về kỳ vọng vào bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam:
 
 
 

Nam Nguyễn, một người Australia gốc Việt, hiện là sinh viên hải quân Australia, có mặt tại sự kiện, cho biết anh quan tâm tới vấn đề bảo vệ hòa bình trên biển sẽ được đề cập như thế nào tại hội nghị, đặc biệt là thông qua bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà anh tin rằng sẽ chứa đựng những thông điệp về Biển Đông.

 

Ông Kurt Lauk, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS) bày tỏ sự vui mừng rằng Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng và là một “thế lực kinh tế quan trọng” của cộng đồng quốc tế, và ông rất quan tâm tới việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đặt địa vị Việt Nam như thế nào trong “bản hòa nhạc” quốc tế này. Ông cũng chia sẻ sự mong đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề cập tới những vấn đề xung đột quốc tế trong khu vực.

 

Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Singapore theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đến nay đã trở thành sự kiện hàng năm có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế. Đây là diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin; đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước.
 

Tuấn Anh (từ Singapore)