Thủ tướng tạm quyền của Taliban trong "danh sách đen" của Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - Mohammad Hasan Akhund, người được bổ nhiệm làm thủ tướng chính phủ lâm thời tại Afghanistan nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Gần 3 tuần sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan, Taliban ngày 7/9 đã bổ nhiệm ông Mullah Hasan Akhund là người đứng đầu chính phủ của Afghanistan.
Thủ tướng tạm quyền của Afghanistan là một cựu chiến binh Taliban, từng là cộng sự thân cận và cố vấn chính trị của Mullah Omar - người sáng lập phong trào Taliban và là nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của lực lượng này.
Ông Akhund hiện là người đứng đầu cơ quan ra quyết định quyền lực của Taliban, Rehbari Shura, hay còn gọi là hội đồng lãnh đạo của Taliban. Cơ quan này hoạt động giống như nội các chính phủ, điều hành mọi công việc của Taliban với sự chấp thuận của lãnh đạo cao nhất.
Akhund là một trong những thành viên sáng lập phong trào vũ trang Taliban. Ông đã làm việc với tư cách là người đứng đầu Rehbari Shura trong 20 năm và có mối quan hệ thân thiết với thủ lĩnh tối cao của Taliban là Maulvi Haibatullah Akhundzada.
Theo Asfandyar Mir, một nhà phân tích tại Viện Hòa bình Mỹ, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng về mạng lưới lãnh đạo của Taliban, Akhund là người dân tộc Pashtun ở tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan, nơi Taliban nổi lên vào đầu những năm 1990 và cũng là nơi lực lượng này lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất.
Ông Akhund đóng vai trò lãnh đạo và dẫn dắt quan trọng trong Rehbari Shura - hội đồng lãnh đạo được thành lập sau khi Taliban bị đánh bật khỏi chính phủ Afghanistan trong cuộc can thiệp quân sự quân sự do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001.
Giới phân tích đánh giá ông Akhund thiên về một chính trị gia hơn là một nhân vật tôn giáo. Khả năng kiểm soát hội đồng lãnh đạo Taliban cũng giúp ông có tiếng nói trong các vấn đề quân sự.
Khi Taliban cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, ông Akhund giữ chức ngoại trưởng và sau đó là phó thủ tướng. Tương tự nhiều người trong nội các mới của Taliban, ông Akhun đang nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì có liên quan đến "các hành vi và hoạt động" của Taliban.
Liên Hợp Quốc cho biết ông Akhund nổi tiếng là "một trong những chỉ huy hiệu quả nhất của Taliban". Ông cũng là tác giả của một số tác phẩm về Hồi giáo.
Ông Akhund được cho là ít nhất ngoài 60 tuổi. Một thông báo trừng phạt của Liên minh châu Âu cho biết ông đã 76 tuổi.
"Ông ấy đã lớn tuổi, ông ấy là người lớn tuổi nhất trong hàng ngũ cấp cao của Taliban", một nguồn tin của Taliban cho biết.
Nguồn tin của Taliban cũng tiết lộ ông Akhund nhận được sự tôn trọng rất cao trong hàng ngũ của Taliban, đặc biệt là từ nhà lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhunzada.
Theo Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia có trụ sở tại Washington DC, Akhund "có định kiến với người phương Tây", được coi là "một trong những chỉ huy hiệu quả nhất" và từng học ở nhiều trường Hồi giáo khác nhau ở Pakistan. Tuy nhiên, tương tự nhiều thủ lĩnh khác của Taliban, các nước phương Tây không có nhiều thông tin về tư tưởng của Akhund.
Ngoài vị trí thủ tướng, Taliban cũng công bố hàng loạt vị trí khác trong chính phủ mới. Người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, nhân vật đại diện cho Taliban ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ hồi năm ngoái, được chọn làm quyền Phó thủ tướng. Sirajuddin Haqqani, người vẫn đang nằm trong danh sách truy nã khủng bố của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), được chọn làm quyền Bộ trưởng Nội vụ.