1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Scholz nêu chính sách tiếp cận 3 mũi nhọn của Đức về Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, Đức theo đuổi chính sách 3 mũi nhọn kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần một năm.

Thủ tướng Scholz nêu chính sách tiếp cận 3 mũi nhọn của Đức về Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Trong một bài phát biểu ngắn qua video ngày 28/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022 đến nay, Đức tiếp tục theo đuổi chính sách tiếp cận 3 mũi nhọn. Các mũi nhọn này gồm hỗ trợ Ukraine về nhân đạo, tài chính và khí tài; ngăn chặn chiến sự leo thang, tránh nguy cơ xung đột trực tiếp NATO - Nga; phối hợp với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, nhằm kiềm chế các hành động đơn phương.

Thủ tướng Scholz khẳng định, Berlin sẽ kiên định với chính sách trên trong tương lai. Ông nhấn mạnh, mục tiêu mà Đức đang cố gắng đạt được là ngăn chặn Nga thay đổi biên giới bằng biện pháp quân sự.

"Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: Không để Nga đạt được mục đích thay đổi biên giới thông qua biện pháp quân sự", nhà lãnh đạo Đức nêu rõ.

Những bình luận trên đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đức cam kết hỗ trợ 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho phép các nước đồng minh, đối tác tái xuất loại xe tăng do Đức sản xuất này cho Kiev. Mục tiêu trước mắt của Đức là cùng với các đồng minh giúp Ukraine thiết lập 2 tiểu đoàn xe tăng. Thủ tướng Scholz cho rằng, động thái này hoàn toàn phù hợp với chính sách mà Đức theo đuổi.

Theo một khảo sát của tổ chức YouGov công bố tuần trước, 43% người Đức phản đối cấp xe tăng cho Ukraine, 39% ủng hộ trong khi 16% do dự.

Về phía Nga, họ coi quyết định viện trợ xe tăng của Đức là "nguy hiểm". "Quyết định vô cùng nguy hiểm này sẽ đẩy nguy cơ đối đầu lên tầm cao mới, và đi ngược lại các tuyên bố của giới chính khách Đức về việc không sẵn sàng cho phép Liên bang Đức can dự vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev hôm 25/1 cảnh báo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Nga coi quyết định của Đức cũng Mỹ, Anh là động thái "can dự trực tiếp" của NATO vào xung đột Ukraine. "Sự can thiệp này ngày càng lớn", ông Peskov bình luận. Mặt khác, ông cũng cho rằng, việc phương Tây ồ ạt cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine không thể thay đổi cục diện chiến sự.

Theo giới quan sát, kế hoạch cung cấp xe tăng cho thấy bước ngoặt quan trọng trong chính sách viện trợ của Đức, quốc gia trước đó từng rất do dự về việc trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz thời gian qua đối mặt với không ít sức ép và chỉ trích vì từ chối gửi xe tăng theo đề nghị của Kiev. Sự do dự của Đức đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Berlin lo ngại xung đột Ukraine sẽ leo thang. Thứ hai, đa số người Đức không muốn nước này bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang. Đức cũng muốn tránh căng thẳng trong quan hệ với Nga. Những lo ngại đó chỉ tạm gác sang một bên khi Mỹ đồng ý sẽ gửi xe tăng của họ cho Ukraine.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine