Thủ tướng Hy Lạp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
(Dân trí) - Thủ tướng Hy Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm quyết định tại Quốc hội, nhưng ngay sau đó, ông đã kêu gọi thành lập một chính phủ liên minh mới để thông qua thoả thuận cứu trợ sống còn với Hy Lạp và tỏ tín hiệu sẵn sàng rút lui.
Thủ tướng Hy Lạp tỏ dấu hiệu muốn từ chức.
Quốc hội Hy Lạp đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hay không đối với nội các của Thủ tướng Papandreous, một hành động ảnh hưởng đến việc châu Âu có tài trợ cho quốc gia này lẫn tình hình kinh tế thế giới.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh giới đối lập chính trị ở Hy Lạp muốn ông Papandreous từ chức và bầu cử sớm như là các điều kiện để họ ủng hộ nỗ lực cứu trợ của EU cho Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo châu Âu thì lo ngại nhất một “tình trạng lừng khừng”, vì như thế chỉ làm cho viễn cảnh cứu trợ càng xa mờ.
Trong bài diễn văn trước quốc hội, ông Papandreous bác bỏ khả năng tổ chức bầu cử sớm nhưng hứa sẽ có các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với các đảng phái khác.
Ông nói ông không quan tâm đến vị trí của mình và vai trò lãnh đạo bất kỳ chính phủ thống nhất mới nào cũng sẽ có thể thương lượng được.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đang đối diện với sức ép từ chức ngày càng tăng sau khi ông quay về Athens từ cuộc họp khẩn với Pháp và Đức ở Cannes.
Đảng trung hữu đối lập Tân Dân Chủ đã yêu cầu thủ tướng từ chức. Điều này có nghĩa là kế hoạch về một chính phủ đoàn kết của thủ tướng không còn cơ hội.
Ông Papandreou trước đó đã khiến các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) bị sốc và khiến các thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi kêu gọi trưng cầu dân ý về thỏa thuận cứu trợ mà EU định dành cho Hy Lạp vốn đang ngập trong nợ nần.
Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp xác nhận kế hoạch trưng cầu dân ý nay đã bị bãi bỏ, nhưng ngay cả khi vượt qua được lần bỏ phiếu bất tín nhiệm này thì ông Papandreou sẽ vẫn phải đối mặt với một tương lai không rõ ràng, giữa lúc đang có những lời kêu gọi ông từ chức.
Tại Athens, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại quảng trường Syntagma chờ kết quả bỏ phiếu và an ninh đã được thắt chặt xung quanh tòa nhà quốc hội gần đó.
Các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu lo ngại rằng thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể khiến tình trạng bất ổn sẽ lan sang các nền kinh tế yếu kém khác, đặc biệt là Italia.