1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính phủ Hy Lạp bấp bênh, Thủ tướng bị đòi từ chức

(Dân trí) - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đang phải đối mặt với áp lực từ chức từ chính trong nội bộ đảng cùng phe đối lập và để một chính phủ liên minh phê chuẩn kế hoạch cứu trợ của châu Âu thay vì tổ chức trưng cầu dân ý đầy rủi ro.

 
Chính phủ Hy Lạp bấp bênh, Thủ tướng bị đòi từ chức - 1
Thủ tướng Hy Lạp Papandreou tại G20.

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou tuyên bố "sẵn sàng từ bỏ" trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của châu Âu và đề nghị đàm phán với phe đối lập để đạt được đồng thuận về gói cứu trợ của châu Âu. Ông cũng cho biết thêm, bản thân trưng cầu dân ý không bao giờ là "một dấu chấm hết".
 
Hôm thứ hai vừa qua, Thủ tướng Papandreou đã bất ngờ tuyên bố ông dự định trưng cầu dân ý về gói cứu trợ rất khó khăn mới đạt được vừa qua của châu Âu đối với nước này.Tuyên bố đã khiến các đối tác quốc tế cùng các chủ nợ của Hy Lạp hoảng hốt, và gây ra tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính khi giới đầu tư ngán ngẩm về viễn cảnh vỡ nợ đầy rối loạn cùng khả năng Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro gồm 17 t hành viên.

 

Bất ổn ở Hy Lạp ngay lập tức đã làm cả châu Âu dậy sóng. Chính phủ của Thủ tướng Italia Berlusconi cũng rơi vào tình cảnh bấp bênh sau khi không đạt được đồng thuận về kế hoạch đối với khoản nợ lớn đầy nguy hiểm của nước này. Bồ Đào Nha cũng đòi những điều khoản linh hoạt hơn cho gói cứu trợ của nước này. Ngân hàng trung ương châu Âu hôm nay cũng đưa ra một quyết định đầy bất ngờ, cắt lãi xuất xuống 1,25%, để phản ứng lại tình trạng hỗn loạn về tài chính.

 

Kịch bản này cũng bao trùm cuộc họp thượng đỉnh G20 tại khu nghỉ mát Cannes của Pháp, nơi các nhà lãnh đạo các cường quốc kinh tế thế giới nhóm họp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, cuộc khủng hoảng đang đe dọa đẩy thế giới trở lại với suy thoái.

 

Ông Papandreou dự kiến tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày hôm nay với các bộ trưởng của mình. Nhiều người trong số họ kêu gọi một chính phủ liên minh, có thể phê chuẩn gói cứu trợ mà không cần trưng cầu dân ý và đảm bảo Hy Lạp nhận được những khoản viện trợ tối quan trọng, tránh nước này bị phá sản trong nhãn tiền.

 

Rắc rối mới nhất bắt đầu sau khi chính bộ trưởng tài chính của ông Papandreou, Evangelos Venizelos, phá hàng ngũ với ông vào ngày hôm nay và tuyên bố chống lại một cuộc trưng cầu dân ý.

 

“Vị trí của Hy Lạp trong khu vực euro là không thể nghi ngờ”, ông Venizelos nói và cho biết thêm vị trí đó “không thể phụ thuộc vào một cuộc trưng cầu dân ý”.

 

Ông Venizelos nhấn mạnh tập trung của đất nước là phải nhanh chóng nhận được 8 tỷ euro trong gói cứu trợ, nếu không Hy Lạp sẽ vỡ nợ trong vài tuần.

 

Đã xuất hiện nhiều tin đồn về khả năng ông Papandreou từ chức. Tuy nhiên, hai quan chức tại văn phòng thủ tướng phủ nhận thông tin cho rằng ông Papandreou sẽ viếng thăm tổng thống và đệ trình đơn từ chức vào chiều ngày thứ năm. Văn phòng tổng thống cũng cho hay không có cuộc gặp như vậy giữa tổng thống và thủ tướng.

 

Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước cho biết các nghị sỹ đang nhắm cựu phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Lucas Papademos là nhà lãnh đạo tiềm năng của một chính phủ liên minh.

 

Nhiều phụ tá thân cận của Thủ tướng Papandreou cho biết họ không biết ý định của thủ tướng như thế nào, nhưng ông Papandreou sẽ có bài phát biểu với các bộ trưởng.

 

Ông Papandreou cũng kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của ông vào tối thứ sáu, mặc dù với áp lực ngày càng lớn như hiện nay, không chắc chính phủ của ông có thể tồn tại đến khi đó. Nhà lập phá đảng Xã hội Eva Kaili cho biết bà sẽ không ủng hộ chính phủ trong cuộc bỏ phiếu. Không có sự ủng hộc ủa bà, thế đa số của đảng Xã hội sẽ bị giảm xuống mức tối thiểu 151 trong tổng 300 ghế tại quốc hội.

 

Phan Anh

Theo AP