Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố sẵn sàng bỏ trưng cầu dân ý
(Dân trí) - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 3/11 đã kêu gọi có đối thoại với phe đối lập với hy vọng sẽ đạt được đồng thuận trong kế hoạch cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và tránh việc phải tổ chức trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou trước áp lực từ nhiều phía.
Ông Papandreou đưa ra tuyên bố trên ngay sau khi thông báo Hy Lạp có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của EU vào ngày 4/12 tới.
Ông Papandreou gặp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angel Markel hôm 2/11 tại thành phố Cannes của Pháp, một ngày sau khi ông đột ngột tuyên bố là sẽ tổ chức trưng cầu dân ý. Ông nói, trưng cầu dân ý sẽ quyết định liệu nước này có chấp nhận gói cứu trợ cũng như có tiếp tục là thành viên của khu vực các nước sử dụng đồng Euro hay không.
Nhưng sau đó, ông Papandreou nói thêm rằng bản thân việc trưng cầu dân ý không bao giờ là sự kết thúc cả. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU nói Hy Lạp sẽ không nhận được tiền cứu trợ nếu không đạt được sự đồng thuận nội bộ.
Ông George Papandreou bị các thành viên cao cấp trong đảng kêu gọi từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ liên minh, giữa lúc hiện tương lai của thỏa thuận cứu trợ tài chính EU vẫn chưa chắc chắn.
Trước đó, một số nguồn ở Hy Lạp đưa rằng Thủ tướng George Papandreou dự kiến sẽ đệ đơn từ chức và ông sẽ gặp Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulios ngay lập tức sau khi phiên họp nội các khẩn cấp kết thúc. Tuy nhiên, truyền hình quốc gia nước này nói ông Papandreou trong cuộc họp đã bác bỏ khả năng ông sẽ ra đi.
Chính phủ Hy Lạp đã bên bờ vực tan rã sau khi một số bộ trưởng nói họ không ủng hộ kế hoạch của ông Papandreou. Đảng đối lập Tân Dân chủ nói sẽ chấp nhận tham dự chính phủ liên minh nếu ông Papandreou đồng ý từ chức.
Chưa hết những lo ngại
Việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro là một khả năng mà các nước sử dụng đồng tiền chung nay phải dự trù tới, cho dù nó sẽ gây những hậu quả trầm trọng cho toàn bộ khu vực euro.
Trong cuộc trưng cầu dân ý trên nguyên tắc diễn ra ngày 4/12 tới, người dân Hy Lạp sẽ cho biết ý kiến về kế hoạch cứu vãn nước này và coi như là qua đó, quyết định Hy Lạp có tiếp tục nằm trong khu vực đồng euro hay không.
Vì quá chán ngán với những biện pháp thắt lưng buộc bụng, cử tri Hy Lạp rất có thể sẽ bỏ phiếu chống và như vậy là nước này sẽ bị vỡ nợ vì không còn nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ khu vực euro cũng như từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Cụ thể hơn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng gọi là “phá sản vô trật tự”, tức là phá sản mà không có thương lượng trước với các ngân hàng chủ nợ, giống như trường hợp của Achentina trước đây, đã tự giảm 75% nợ của mình. Trong kịch bản đó, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Liên minh tiền tệ, cho dù các hiệp ước không dự tính đến khả năng này.
Một khi ra khỏi khu vực euro, Hy Lạp sẽ sử dụng trở lại đồng tiền quốc gia, đồng drachme. Nhưng để cân đối lại cán cân thương mại, Hy Lạp cần phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ nước này. Hậu quả sẽ là lạm phát phi mã, thất nghiệp tăng cao, đẩy nền kinh tế Hy Lạp vào suy thoái.
Không chỉ có Hy Lạp, mà việc nước này từ bỏ đồng tiền chung sẽ gây tác hại đến toàn khu vực euro, vì nếu những nước khác cũng làm theo Hy Lạp, khối euro sẽ dần dần tan rã, chỉ hơn 10 năm sau khi ra đời.
Trước mắt, việc này sẽ làm tăng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ công lan sang các nước suy yếu khác như Tây Ban Nha, Italia, Bỉ. Thậm chí cả Pháp cũng khó tránh khỏi bị kéo vào vòng xoáy.