1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ phủ kinh tế Myanmar thành "vùng chiến sự"

Minh Phương

(Dân trí) - Một phần thành phố Yangon - thủ phủ kinh tế của Myanmar - trở thành vùng chiến sự khi đụng độ nghiêm trọng giữa người biểu tình và lực lượng an ninh nổ ra buộc chính quyền ban bố thiết quân luật.

Thủ phủ kinh tế Myanmar thành vùng chiến sự - 1
Người biểu tình dùng các tấm khiên tự chế khi đối đầu với lực lượng an ninh ở Yangon, Myanmar (Ảnh: AFP).

Theo AFP, hàng nghìn người dân sợ hãi đang vội vã rời Hlaingtharya, khu công nghiệp ngoại ô thủ phủ kinh tế Yangon của Myanmar sau khi khu vực này trở thành điểm nóng đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối chính quyền quân sự những ngày qua.

Một tổ chức giám sát ở địa phương cho biết, hơn 70 người đã thiệt mạng hôm 14/3, trong đó phần lớn là người biểu tình ở Hlaingtharya. Sau ngày đẫm máu này, quân đội Myanmar đã ban bố lệnh thiết quân luật ở Hlaingtharya và một số khu vực khác của Yangon, đặt 2 triệu người dân ở đây dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quân đội.

Người dân ở Hlaingtharya, trong đó nhiều người là lao động từ các vùng khác, đã vội vã gói ghém đồ đạc cùng với gia đình rời đi hoặc bằng xe tải hoặc bằng xe máy. Những người còn ở lại thì mô tả Hlaingtharya giống như vùng chiến sự.

"Súng nổ suốt đêm, chúng tôi không tài nào ngủ được", một người dân chia sẻ với AFP. Người này nói thêm rằng, họ thậm chí sợ không dám bước ra đường. Một sinh viên y khoa cho biết, binh sĩ và cảnh sát xuất hiện ở khắp thị trấn. "Họ kiểm tra ô tô, xe máy và thậm chí điện thoại của những người đi lại trên đường. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến chính trị hay phong trào phản đối chính quyền quân sự, họ lập tức bắt giữ", nam sinh cho hay.

Thủ phủ kinh tế Myanmar thành vùng chiến sự - 2

Khói lửa bao trùm đường phố Yangon (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, nhiều người biểu tình đã dựng lều trên một cây cầu dẫn vào trung tâm thị trấn tối 16/3. Họ đội mũ bảo hiểm, đeo mặt nạ chống độc và những tấm khiên tự chế. Họ cũng dựng các hàng rào bằng lốp xe cũ, thân cây, bao cát. Một số hàng rào bốc cháy khiến khói đen dày đặc bao phủ một vùng. Một số người biểu tình dùng bom xăng để ném vào lực lượng an ninh. Một video ghi lại tại một khu dân cư lân cận cho thấy loạt súng rền kéo dài khoảng 15 giây. Tuy nhiên, thông tin tình hình về điểm nóng Hlaingtharya bị hạn chế do chính quyền quân sự đã chặn truy cập mạng.

Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình Myanmar đến nay đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết. Mặc dù vậy, làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hình ảnh đăng tải trên truyền thông địa phương cho thấy, hôm 17/3, người biểu tình tiếp tục xuống đường ở nhiều nơi của Myanmar.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, các nhà sư cũng tham gia tuần hành với người biểu tình đề nghị chính quyền quân sự trả tự do cho nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi và khôi phục nền dân chủ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tuần này cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng Myanmar, kêu gọi ngừng các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar