Thông điệp chiến lược về Trung Quốc của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Trung Quốc là chủ đề quan trọng trong những tuần làm việc đầu tiên của Tổng thống Trump, chiếm hơn 1/3 trong số hơn 80 sắc lệnh hành pháp và các hành động quan trọng mà ông đã ký cho đến nay.
![Thông điệp chiến lược về Trung Quốc của Tổng thống Trump - 1 Thông điệp chiến lược về Trung Quốc của Tổng thống Trump - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/VSznHIuUjdrAoDNaa-9IdRHAHKs=/thumb_w/1020/2025/02/05/trumptap-1738739623511.png)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Trong số đó có việc công bố mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như một phần của các biện pháp thương mại toàn diện.
Động thái này đã phơi bày những lĩnh vực mà chính quyền mới ở Mỹ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng lên Bắc Kinh. Chiến lược rộng hơn của ông Trump trong nỗ lực nhằm giải quyết mối cạnh tranh lớn nhất của Mỹ vẫn chưa được nêu rõ, và cũng chưa rõ liệu ông có nhìn nhận vấn đề này theo quan điểm ý thức hệ hay là một loạt các thỏa thuận.
Các hành động của ông Trump cũng cho thấy nền kinh tế số 2 gắn bó chặt chẽ như thế nào với lợi ích của Mỹ. Chỉ một lệnh thương mại "Nước Mỹ trên hết" đe dọa tước đi một số quyền tiếp cận ưu đãi của Trung Quốc đối với thị trường nền kinh tế số 1 thế giới.
Các biện pháp khác nhắm vào Bắc Kinh một cách gián tiếp hơn, chẳng hạn như các lệnh về nhập cư bất hợp pháp, sản xuất năng lượng, tài chính kỹ thuật số, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và thậm chí là viện trợ nước ngoài.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Tổng thống Trump có cùng quan điểm với người tiền nhiệm Joe Biden và phần lớn quan điểm của Washington về sự cạnh tranh với Trung Quốc như một trận chiến lịch sử hay ông có ý định đóng khung nó hẹp hơn: Chỉ như một kiểu nhắc lại trọng tâm của nhiệm kỳ đầu tiên về mất cân bằng thương mại.
"Liệu chính quyền ông Trump có thực sự nghĩ rằng đây là một cuộc cạnh tranh cấp bách mang tính thời đại không?", ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, đã nói trong một hội nghị gần đây.
Chính quyền Tổng thống Biden coi Trung Quốc là đối thủ quân sự, kinh tế và công nghệ hàng đầu của Mỹ. Các hành động của Trump cho đến nay vẫn chưa làm sáng tỏ nhiều về việc liệu ông có ý định tiếp tục nỗ lực dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn chặn ngành công nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cốt lõi của Mỹ hay không.
Nhưng mong muốn được sớm gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình của ông Trump rõ ràng là một sự thay đổi so với chiến lược của chính quyền Biden là hạn chế tương tác trực tiếp với Bắc Kinh, và thay vào đó là tập hợp các đồng minh xung quanh các phản ứng quân sự, thương mại và ngoại giao chung đối với Trung Quốc.
Những nguồn tin thân cận với nhóm chiến lược của Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc là mối quan tâm thứ yếu đối với chính quyền mới, và thực sự các hành động gây chú ý nhất của Tổng thống Trump hiện nay nhắm vào Mexico, Canada, Greenland và Panama.
"Trung Quốc đã bị tách ra hoặc hạ thấp ảnh hưởng trong những ngày đầu tiên nắm quyền của ông Trump", Susan Shirk, giám đốc danh dự của Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, nhận định.
Đối với những người theo dõi Trung Quốc, nỗi sợ áp thuế của Tổng thống Trump đối với Mexico và Canada cho thấy một chiến lược tương tự cách ông nhắm tới Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sử dụng các mối đe dọa thương mại như một công cụ đàm phán. Hành động nhắm vào Canada càng củng cố thêm nghi ngờ rằng, ông Trump sẽ hợp tác với các đồng minh để đối phó Trung Quốc.
"Ông ấy ít bị thúc đẩy bởi ý thức hệ hơn", Henry Huiyao Wang, người sáng lập kiêm Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho biết. Ông cho rằng, Tổng thống Trump đang xây dựng một thỏa thuận được dự đoán là sẽ được Trung Quốc đón nhận.
Các biện pháp đối phó của Bắc Kinh đối với mức thuế quan mới cho thấy "một cách tiếp cận phối hợp và toàn diện hơn từ các nhà hoạch định chính sách của nước này, các nhà phân tích Goldman Sachs nhận định. Goldman Sachs ước tính rằng 14 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế bổ sung 12% của Trung Quốc, so với mức thuế 10% đối với 525 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ quyết định của ông Trump.
Trong khi thương mại dường như vẫn là trọng tâm chính của Tổng thống Trump, chuyên gia Wang cho rằng nhiều sắc lệnh hành pháp có thể nhằm mục đích "quyến rũ" Bắc Kinh để đạt được các thỏa thuận trong các lĩnh vực khác.
Ông cho rằng, sắc lệnh của ông Trump nhằm tạo ra một "vòm sắt" được thiết kế để bảo vệ Mỹ khỏi "tên lửa siêu thanh" của Trung Quốc, mà ông Wang coi là một nỗ lực buộc Bắc Kinh phải đàm phán về vũ khí hạt nhân.
Ông Trump đã nói với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ rằng "để xây dựng mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, chúng ta không cần phải làm cho nó trở nên phi thường. Chúng ta phải biến nó thành một mối quan hệ công bằng".
Tổng thống Trump cũng đã nói rất nhẹ nhàng về cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình: "Tôi luôn thích ông ấy", và muốn kêu gọi sự hợp tác của Bắc Kinh để chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Thông điệp từ giới chính trị cấp cao Trung Quốc cũng mang tính hòa giải. Tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã nói với các nhà lãnh đạo tại WEF ở Davos rằng Bắc Kinh muốn "thúc đẩy thương mại cân bằng" với thế giới, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một "điểm khởi đầu mới" trong quan hệ Mỹ - Trung.
Bắc Kinh cũng thở phào nhẹ nhõm vì đòn đánh thuế quan ban đầu của ông Trump tương đối nhẹ so với những tuyên bố cảnh báo suốt chiến dịch tranh cử.
Với phạm vi rộng lớn của các lệnh và hành động liên quan đến Trung Quốc, nhóm của ông Trump dường như đang định vị để đàm phán một thỏa thuận rộng khắp với Bắc Kinh và đang tìm cách tối đa hóa áp lực dựa trên giả định rằng họ sẽ nhượng bộ.
Các nhà phân tích cho rằng, việc ông Trump mở màn tương đối nhẹ nhàng với mức thuế quan bổ sung 10% đối với Trung Quốc thay vì mức 60% gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh rằng ông sẽ sử dụng vũ khí thương mại, đồng thời hạn chế mức lạm phát ở Mỹ.
Các hành động khác của Tổng thống Trump dường như bác bỏ những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc đang khiến Washington đau đầu, chẳng hạn như lệnh hành pháp của ông nhằm tạm dừng lệnh đóng cửa TikTok theo luật định để theo đuổi thỏa thuận mua bán lại nền tảng này.
Tương tự, ông Trump mô tả sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (IA) hiệu suất cao DeepSeek, được phát triển giá rẻ ở Trung Quốc, không phải là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp chiến lược, tương lai của Mỹ, mà là động lực mới thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Washington.
"Tôi không nghĩ Tổng thống Trump muốn chống Trung Quốc", một cố vấn cho các quan chức ở cả Bắc Kinh và Washington cho biết. Theo cố vấn này, những nỗ lực ban đầu của ông Trump nhằm xây dựng "mối quan hệ thân thiện" với ông Tập Cận Bình - như việc mời ông đến dự lễ nhậm chức - dường như nhằm mục đích đưa nhà lãnh đạo Trung Quốc vào các ưu tiên về thương mại.
Cố vấn trên nói thêm rằng, Tổng thống Trump cũng nói rõ rằng ông hy vọng người đồng cấp Tập Cận Bình sẽ giúp ông thực hiện lời cam kết trở thành "một tổng thống vì hòa bình", chẳng hạn như tìm cách chấm dứt chiến tranh Ukraine.