Chiến tranh thương mại sẽ nổ ra sau đòn thuế của ông Trump với Trung Quốc?
(Dân trí) - Đòn thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Donald Trump đã thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử là tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng đã công bố mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như một phần của các biện pháp thương mại toàn diện.
Câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc hiện nay là sẽ trả đũa mạnh đến mức nào.
Sau thông báo của Tổng thống Trump, Trung Quốc tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và "thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng", song không nêu rõ dưới hình thức nào.
Việc áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 2/2, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ "kiên quyết bảo vệ quyền của mình".
Phản ứng này của Trung Quốc, ít nhất là cho đến nay, kém cụ thể hơn nhiều so với phản ứng từ Mexico và Canada. Cả Mexico và Canada đều nhanh chóng tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa Mỹ.
Bắc Kinh đã có khởi đầu thân thiện bất ngờ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Đây là diễn biến đáng hoan nghênh đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi họ tìm cách tránh leo thang căng thẳng thương mại và công nghệ với Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc đang chững lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm mà ông chủ Nhà Trắng mô tả là "rất tốt" vài ngày trước khi ông Trump nhậm chức. Lễ nhậm chức của ông Trump cũng có sự tham dự của quan chức cấp cao Trung Quốc.
Tổng thống Trump cũng đã gửi những tín hiệu khác cho thấy ông đang trong quá trình đàm phán với Bắc Kinh. Ông Trump nhiều lần nói rằng ông hy vọng sẽ hợp tác với ông Tập để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, đồng thời ám chỉ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fox News rằng ông nghĩ Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.
Mặc dù ông Trump vận động tranh cử với mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc chạy đua kinh tế với Trung Quốc và bổ nhiệm một nhóm quan chức theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc vào chính quyền mới, nhưng ông Trump cũng gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng tốt hơn hết là không nên leo thang quá mức, ít nhất là ở thời điểm này.
Cơ hội thỏa thuận
Mức thuế 10% mà Tổng thống Trump mới công bố vẫn thấp hơn nhiều so với con số 60% mà ông từng dọa sẽ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump phần lớn liên kết đòn áp thuế này với vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc trong hoạt động buôn bán thuộc giảm đau gây nghiện fentanyl, chứ không phải sự mất cân bằng thương mại sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc có thể dự đoán rằng, Tổng thống Trump đang chờ đợi cho đến khi nhận được kết quả của cuộc điều tra lớn hơn về quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung mà ông đã ủy quyền trong một sắc lệnh hành pháp được ký vào ngày đầu tiên nhậm chức.
"Ông Trump có thể dựa vào kết quả sắp tới của các cuộc điều tra thương mại để áp đặt hoặc mở rộng thuế quan đối với các quốc gia cụ thể, thử thách khả năng chịu đựng và thiện chí đàm phán của họ", một bản phân tích được công bố vào ngày 2/2 trên trang web của Viện Phát triển Fudan có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
"Không thể loại trừ nguy cơ leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện. Trước khi bất kỳ hành động thực tế nào được thực hiện, ông Trump vẫn có thể sử dụng các chiến lược mơ hồ để gây sức ép với đối thủ và chờ đợi những nhượng bộ đáng kể từ họ", bản phân tích cho biết thêm.
Quá trình điều tra theo lệnh của ông Trump sẽ đưa ra chỉ dẫn để giúp Nhà Trắng quyết định liệu có áp thêm thuế đối với Trung Quốc hay không. Trong khi đó, Bắc Kinh có thời gian để xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Trump, tiếp đón ông tại thủ đô của Trung Quốc hoặc thúc đẩy một thỏa thuận phòng ngừa để tránh các hình phạt kinh tế nghiêm trọng hơn.
Thông điệp từ giới chính trị cấp cao của Trung Quốc là mang tính hòa giải. Tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã nói với các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos rằng Bắc Kinh muốn "thúc đẩy thương mại cân bằng" với thế giới, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một "điểm khởi đầu mới" trong quan hệ Mỹ - Trung.
Quyết định khiếu nại lên WTO về đòn áp thuế mới của Mỹ nhấn mạnh một thông điệp quan trọng từ Bắc Kinh rằng: Trung Quốc tuân thủ các quy tắc toàn cầu, trong khi Mỹ là bên không tuân thủ. Bắc Kinh cũng khẳng định những nỗ lực trong việc kiểm soát xuất khẩu tiền chất fentanyl và cho biết cuộc khủng hoảng ma túy là "vấn đề của nước Mỹ".
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có công bố thêm các biện pháp đáp trả thương mại trong những ngày tới hay không. Nhưng phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với mức thuế 10% của Mỹ và thông điệp trong những tuần gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đang chờ đợi và xem xét trước khi nghiên cứu kỹ hơn các biện pháp đáp trả.
Cân nhắc trả đũa
Các chuyên gia đã hạ thấp tác động của mức thuế 10%, trong bối cảnh nổ ra cuộc tranh luận lớn hơn về việc liệu đòn thuế này có khiến Trung Quốc leo thang thành chiến tranh thương mại như trong chính quyền đầu tiên của Tổng thống Trump hay không.
Năm 2018, ông Trump đã tăng hoặc áp thuế đối với hàng trăm tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Bắc Kinh được cho là đã đáp trả bằng khoảng 185 tỷ USD thuế quan của riêng nước này đối với hàng hóa của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden phần lớn vẫn giữ nguyên các mức thuế đó, đồng thời tập trung vào cách tiếp cận được gọi là "sân nhỏ, hàng rào cao" để giao dịch với Trung Quốc. Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu đối với khả năng tiếp cận công nghệ cao của Trung Quốc mà Washington nghi là Bắc Kinh có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.
Bắc Kinh đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát, hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng và các công nghệ liên quan mà các quốc gia có thể sử dụng để chế tạo các sản phẩm từ hàng hóa quân sự đến chất bán dẫn. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu, tăng cường khả năng hạn chế hàng hóa có công dụng kép.
Việc tăng cường sử dụng các biện pháp kiểm soát này, cũng như áp dụng thuế quan trả đũa, có thể là động thái của Bắc Kinh trong những tuần tới hoặc nếu Tổng thống Trump áp mức thuế cao hơn trong những tháng tới.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã có những bước đi để tự bảo vệ mình khỏi một số tác động của đòn thuế quan, mà chính ông Trump thừa nhận có thể gây ra "sự đau đớn" cho người Mỹ. Thừa nhận này được đưa ra sau những lo ngại từ các nhà kinh tế rằng chính người Mỹ sẽ phải gánh chịu chi phí cao hơn sau khi hàng hóa bị áp thuế.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 2/2 cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ chỉ chiếm 3% GDP và chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
"Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị cho việc ít phụ thuộc vào Mỹ, đa dạng hóa theo mọi cách, không chỉ về đối tác thương mại, đầu tư mà còn về tiền tệ và hệ thống thanh toán", Keyu Jin, phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, cho biết.
"Thuế quan sẽ gây tổn hại cho cả hai quốc gia. Nhưng các bạn đã thấy một sự chuyển hướng dần dần của thương mại sang các quốc gia khác từ các công ty Trung Quốc", chuyên gia Jin nói.
Theo chuyên gia Jin, Trung Quốc coi "Tổng thống Trump là người mà họ có thể đàm phán và vẫn có chỗ cho việc đàm phán".