Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Tài của người Nga
Sự kết hợp khéo léo của quân sự, kinh tế, ngoại giao và chính trị mới có thể đã mang lại một kết quả đáng ghi nhận như vậy của Nga.
Lợi ích quốc gia trên hết!?
Liệu người dân, loài người thế kỷ XXI có chấp nhận “lợi ích quốc gia” của quốc gia mình nhuốm đầy máu và nước mắt của dân tộc khác, quốc gia khác hay không?
Cuộc chiến tại Syria từ năm 2011 đã bước sang năm thứ 5.
Năm 2013, Nga đã ra tay ngăn cản Mỹ - phương Tây tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria theo kịch bản như Libya, bằng biện pháp ngoại giao. Syria đã chấp nhận giải giáp vũ khí hạt nhân để Mỹ - phương Tây ngừng tấn công.
Mỹ - phương Tây ngừng trực tiếp tấn công quân sự vào Syria năm 2013, không có nghĩa chính quyền Assad được yên vị. Bởi lật đổ chính quyền Assad là chính sách đối ngoại trước sau như một của Mỹ - phương Tây, xuyên suốt từ trước đến nay không hề thay đổi.
Vì thế, dưới sự chỉ huy của Mỹ, một liên minh khổng lồ trong đó có 2 thành phần đắc lực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, can thiệp thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế vào Syria, hô vang khẩu hiệu “Assad phải ra đi” tức là chính quyền Assad hoặc là đầu hàng hoặc là bị lật đổ.
Bằng cách lấy danh nghĩa chống IS, họ tiến hành không kích làm tan nát cơ sở hạ tầng của Syria; họ huấn luyện, cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ và thậm chí hỗ trợ cho cả IS, nhằm lật đổ chính quyền Assad.
Hơn 4 năm cầm cự trước một liên minh hùng mạnh như vậy, quân đội Assad đã bị hy sinh gần 60.000 quân và chính quyền của Assad đã bị lâm vào tình thế “ngày được đánh số” trước khi Nga can thiệp.
Nếu như có điều gì đó khiến chúng ta không hiểu nổi chiến lược toàn cầu của Mỹ -phương Tây thì điều đó nằm trong câu hỏi: Tại sao có kết quả “hậu Iraq” năm 2003, và, cứ cho là Mỹ chưa có bài học kinh nghiệm, thì “hậu Libya” năm 2011 đã phơi bày, nhưng tại sao Mỹ - phương Tây vẫn tiến hành như vậy tại Syria?
Rõ ràng, Iraq đã tạo ra một IS khiến thế giới rúng động; Libya là một nhà nước thất bại và chắc chắn Syria nếu Assad bị lật đổ thì nó sẽ trở thành một nhà nước “2 trong 1”, nghĩa là Iraq và Libya trong một Syria.
Chúng ta không muốn tin, Mỹ, một cường quốc đang bá chủ, thống trị thế giới, lại đang thực hiện tư tưởng “hỗn loạn có điều khiển” rất vô cảm, vô nhân đạo, vô trách nhiệm như vậy với đồng loại.
Chúng ta không muốn tin, điều “những tài phiệt nước Mỹ cũng chính là người lãnh đạo nước Mỹ”, như người Nga đã đánh giá.
Đáng tiếc, muốn là một chuyện và được hay không, lại là chuyện khác.
Quá khứ, hiện tại, những quốc gia nơi cơn bão “cách mạng màu” đi qua; những quốc gia nơi tên lửa Tomahawk rơi xuống, khiến cho chúng ta, dù không muốn tin cũng buộc phải tin vào sự thật phũ phàng.
Tại sao máu và nước mắt của người dân Syria, Libya…lại đổ nhiều đến thế? Chẳng lẽ, máu và nước mắt của họ chính là “lợi ích quốc gia”, là bát cơm, chén nước của một quốc gia nào đó, một thế lực nào đó?
Ai thắng ai?
Sau 20 tuần Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria theo yêu cầu của chính quyền Assad, ngày 27/2/2016, một thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy chống chính phủ được Mỹ-PT và Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ…hậu thuẫn có hiệu lực.
Sự xuất hiện thỏa thuận này chứng tỏ một thắng lợi lớn về ngoại giao của Nga, thắng lợi lớn của chính quyền Assad và thắng lợi của người Kurd Syria PYG…trước một thế lực khổng lồ, hùng mạnh.
Tại sao bây giờ mới có thỏa thuận này mà không phải là trước kia?
Đơn giản là trước kia, khi lực lượng nổi dậy đang “đếm số ngày tồn tại” của Assad thì đời nào Mỹ chạy ngược chạy xuôi thúc giục các bên ngừng bắn. Đó là sự ấu trĩ về chính trị và dại khờ về quân sự.
Vì vậy, cũng như diễn biến ở Ukraine, chính quyền Kiev, nếu không bị một “cú Debeltseve” thì đời nào Đức, Pháp tích cực ngoại giao con thoi để tạo ra một Minsk-2. Diễn biến tình hình Syria hiện giờ cũng không khác gì Ukraine.
Thời gian đang thuộc về Nga và Syria, mỗi ngày qua đi là sức mạnh Nga và quân đội Syria trở nên mạnh mẽ, hiệu quả hơn, do đó, không cách nào khác, Mỹ yêu cầu tạm dừng cuộc chơi, chịu lùi trước Nga trước khi quá muộn có thể cứu vãn.
Hãy còn quá sớm để tuyên bố “Nga giành chiến thắng tại Syria” nhưng Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria vừa đạt được không phải, không thể, không hy vọng sẽ kết thúc chiến tranh mà chỉ là một bước ngoặt của chiến tranh.
Bước ngoặt đó là:
1, Nga đã chứng tỏ và khẳng định là một “ông lớn”, đầy quyền lực trong cuộc chiến Syria.
Nga đã đẩy lùi và vô hiệu hóa kế hoạch của một liên minh khổng lồ đứng đầu là Mỹ - phương Tây, làm tắt lịm tiếng hét “Assad must go”, bảo vệ thành công chính quyền Assad.
Nga đã buộc Mỹ phải chia sẻ với Nga tất cả các thông tin trước đây từ chối chia sẻ và làm việc với những người Nga trên một cơ sở hàng ngày.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã buộc phải thừa nhận đa số lực lượng nổi dậy chống Assad là khủng bố (chỉ có 17/40 tổ chức được coi là “các bên” trong thỏa thuận ngừng bắn). Điều này chứng tỏ tư cách đạo đức, pháp lý của đa số tổ chức chống Assad là điều dối trá và đã, đang, sẽ bị phá hủy bởi cú giáng mạnh này.
Một giải pháp chính trị trong tiến trình hòa bình tại Syria không đi quá xa trong thiết kế của Moscow khi Mỹ phải chấp nhận lựa chọn của Nga về thành phần đối lập.
2, Tất cả những cố gắng, ý đồ thực hiện tiếp theo của ông Erdogan khi Aleppo sắp thất thủ, khi PYG đang được Mỹ, Nga hỗ trợ phát triển mạnh…đã không thành hiện thực.
Không chỉ NATO, châu Âu mà ngay giới quân sự cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn chiến tranh với Nga. Điều đó có nghĩa là canh bạc mà Erdogan đặt cược tại Syria bị “thua cháy túi” và toàn bộ chính sách đối với Syria của Ankara bị sụp đổ hoàn toàn.
Như vậy, có thể nói, không ai ngờ rằng, ngay cả Tổng thống Mỹ Obama và bộ tham mưu của ông ta, người Nga đã mạo hiểm nhảy vào chiến trường Syria để chơi một “canh bạc” cực kỳ nguy hiểm, với chỉ một lực lượng nhỏ, một thời gian ngắn, một tổn thất không đáng kể, nhưng đã có một kết quả thắng lợi rất to lớn.
Chỉ có một sự kết hợp vô cùng khéo léo của quân sự, phương tiện kinh tế, ngoại giao và chính trị mới có thể đã mang lại một kết quả đáng ghi nhận như vậy. Tổng thống Nga, ông Putin và Bộ tham mưu của ông ta, rõ ràng, tìm thấy sự kết hợp hoàn hảo này.
Con đường phía trước vẫn còn vô cùng nguy hiểm, nhưng chắc chắn, những thắng lợi lớn, cơ bản, đã tạo ra một thế trận không thể đảo ngược.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt