1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải bồi thường thế nào để “làm lành” với Nga?

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ có chuyển biến lớn sau khi Ankara chấp nhận xin lỗi. Tuy nhiên, để làm lành với Nga sau vụ bắn rơi máy bay Su-24, cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả sẽ rất đắt.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi thư xin lỗi, bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Nga. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi thư xin lỗi, bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương với Nga. (Ảnh: Reuters)

Điện Kremlin trong tuần này cho biết, đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gửi thư xin lỗi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ bắn rơi máy bay quân sự Su-24 của Nga hồi cuối năm ngoái khiến 1 phi công thiệt mạng.

Phản hồi về động thái bất ngờ của Ankara, Nga cho rằng, đây là bước đi quan trọng nhằm cải thiện quan hệ song phương, tuy nhiên “vẫn còn nhiều thứ phải làm” trước khi bình thường hóa quan hệ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi?


Máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cuối năm 2015. (Ảnh: Far News)

Máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cuối năm 2015. (Ảnh: Far News)

Lời xin lỗi muộn màng của người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được coi là khá bất ngờ bởi trước đó Ankara tuyên bố dứt khoát không xin lỗi cũng như không hối tiếc vì đã bắn rơi Su-24 của Nga bất chấp phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Moscow.

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và chịu sức ép bị cô lập.

Các lệnh trừng phạt của Nga khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ngành du lịch lao đao. Theo Bloomberg, lượng khách du lịch Nga đến thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm tới 95% trong năm 2016. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại phụ thuộc Nga khá nhiều về nguồn cung năng lượng. Mặc dù Ankara mới đây đã bình thường hóa quan hệ với Israel với hy vọng sẽ bù đắp được lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga, song họ cũng nhận ra rằng, Israel cũng không thể thay thế được Nga.

Chủ tịch của Trung tâm Phân tích hệ thống và Dự báo Rostislav Ishchenko cho rằng, lá thư xin lỗi của ông Erdogan một phần do tác động từ nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Theo chuyên gia này, Anh rời EU sẽ buộc Đức phải cắt viện trợ tài chính cho các nước Đông và Nam Âu hay nói cách khác EU có thể sẽ không còn quan tâm nhiều đến Thổ Nhĩ Kỳ với những đề nghị hỗ trợ tài chính như trước kia nữa.

Việc xin lỗi cũng diễn ra vào thời điểm Ankara được cho là đang đánh giá lại chính sách ngoại giao. Anton Khashenko, một nhà phân tích chính trị, cho rằng ông Erdogan đã “bất hòa” với cả thế giới và bây giờ ông ấy muốn khôi phục lại các mối quan hệ. Bà Brenda Shaffer, giáo sư tại đại học Georgetown của Mỹ, nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ưu tiên các chính sách ngoại giao thực dụng, theo đó sẽ không bao giờ xảy ra mẫu thuẫn song phương với Israel hay Nga.

Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường như thế nào?

Chuyên gia Ishchenko cho rằng, trong trường hợp quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tan băng, Nga có thể sẽ giành thế thượng phong trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Moscow muốn Ankara thay đổi lập trường đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gây sức ép với các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tham gia đàm phán hòa bình.

Ngoài ra, từ lâu Nga cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác giải quyết vấn đề người Kurd kéo dài nhiều thập kỷ qua nhằm củng cố vị thế của Nga ở Trung Đông.

Bruno Tertraits, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, cho rằng để bình thường hóa quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải trở về quỹ đạo giúp Moscow ngăn chặn sự hình thành của một mặt trận chống Nga do Mỹ và phương Tây đang xúc tiến tại châu Âu. Với vị thế địa chính trị quan trọng, trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga.

Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng, việc nối lại các cuộc đàm phán về dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể tăng cường đáng kể vị trí của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu. Ngày 27/6, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết để ngỏ cánh cửa đối thoại với Ankara về việc xây dựng một đường ống dẫn khí dưới biển vốn là một phần của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Kupriyanov của Gazprom nói: "Chúng tôi luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại về ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’ và cánh cửa của chúng tôi hiện thời vẫn rộng mở”.

Minh Phương

Tổng hợp