Thiết lập vùng phòng không: Trung Quốc tự đặt mình vào thế khó
(Dân trí) - Với việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông, Trung Quốc đã giương một tên nhắm hai đích. Đầu tiên là Nhật Bản, sau tới Mỹ. Nhưng đồng thời với hành động này, Trung Quốc cũng đang tự đặt mình vào thế khó.
Với nước láng giềng Nhật Bản vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Hoa Đông, mục đích lớn nhất của Bắc Kinh khi đơn phương áp đặt ADIZ là nhằm “dằn mặt” Tokyo.
Sau một thời gian dài bực tức với Nhật Bản về việc Tokyo quốc hữu hóa 3 trên 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku và việc chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh sửa đổi Hiến pháp hòa bình 1947 theo hướng cho phép nước này xây dựng một lực lượng quân đội đúng nghĩa, Trung Quốc đã quyết định đi thêm một nước cờ rắn. Nhưng khác với những lần trước đây khi chủ yếu chỉ tìm cách gây hấn trên biển, thì lần này Bắc Kinh đã chủ động mở ra mặt trận mới: mặt trận trên không.
Điểm giống nhau ở cả hai mặt trận này là chúng đều bao trùm các vùng đặc quyền quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông vốn đang thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Nếu chiểu theo những tọa độ do Trung Quốc cung cấp, vùng ADIZ bao trùm toàn bộ vùng trời phía trên quần đảo này và chồng lấn lên một phần diện tích rất lớn trong vùng ADIZ của Nhật Bản được thiết lập từ năm 1969. Vậy là, cuộc tranh chấp chủ quyền ở Điếu Ngư/Senkaku giờ đây không chỉ đơn thuần diễn ra trên mặt biển mà còn trên cả vùng trời chung, tạo thành thế gọng kìm nhằm từng bước thay đổi hiện trạng trong khu vực (từ bình thường sang có tranh chấp), đồng thời thu hẹp phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ADSF) và hoạt động của quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Theo tính toán, sau khi xác lập ADIZ, phạm vi hoạt động của không quân Trung Quốc tăng từ 10 – 12 lần so với hiện nay.
Đó là với Nhật Bản.
Còn với Mỹ, bước đi mới nhất của Trung Quốc cũng nhằm thể hiện mưu đồ phản đối chiến lược xoay trục an ninh từ Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương, qua đó ngăn không cho Washington chặn đường trỗi dậy của Bắc Kinh. Rõ ràng, Trung Quốc muốn nhắn nhủ với Mỹ rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là một vùng đất trống để ai muốn đến thì đến, và rằng, mọi chuyển động trong khu vực không thể không có sự tham gia của Bắc Kinh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những căng thẳng trong khu vực đã diễn ra từ lâu nhưng nay Trung Quốc mới công bố việc thiết lập vùng ADIZ. Ngoài tuyên bố chính thức của Bắc Kinh thì một lý do khác cũng không thể bỏ qua đó là “thời cơ nay đã đến”. Bắc Kinh đang muốn tận dụng tình cảnh khó khăn của Tổng thống Barack Obama hiện nay và sự mải miết tập trung vào vấn đề Trung Đông cũng như hồ sơ hạt nhân Iran của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để thách thức niềm tin của các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Đây sẽ là một thử thách không nhỏ với Washington khi mà lâu nay các nước ở châu Á – Thái Bình Dương mới chỉ được nghe Mỹ nói về chiến lược xoay trục và cam kết bảo vệ hơn là được chứng kiến các hành động cụ thể của “chú Sam”.
Vậy là không quá khó để đọc ra ý đồ của Trung Quốc.
Sau một thời gian dài áp dụng thành công đường lối đối ngoại “giấu mình chờ thời” để tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phép phát triển mạnh kinh tế, giờ đây Trung Quốc không ngần ngại công khai lột bỏ tấm áo “trỗi dậy hòa bình” mà nước này vẫn tuyên truyền bấy lâu để rộng đường thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, một giấc mộng mà ở đó Trung Quốc không chỉ đặt mục tiêu soán ngôi nền kinh tế số một của Mỹ vào năm 2023 và mở rộng “sân chơi” cho lực lượng hải không quân sau hàng chục năm liên tục đầu tư ở mức hai con số, mà còn chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết cho việc chuyển sang thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa cộng sản từ năm 2030.
Để hoàn thành các mục tiêu này, con đường tất yếu của Trung Quốc là phải mở rộng cửa ngõ ra Thái Bình Dương, yếu tố đóng vai trò then chốt cho giai đoạn phát triển toàn diện mới trong thế kỷ 21, thế kỷ của kinh tế biển và chiến lược biển. Đây cũng là lý do vì sao Trung Quốc tuyên bố ngoài vùng ADIZ vừa được thiết lập ở Hoa Đông thì nước này cũng đang xem xét thiết lập thêm các vùng nhận diện phòng không khác ở Biển Đông “ngay khi sự chuẩn bị cần thiết hoàn tất”.
Tuy nhiên, khi đã có đòn thì tất có phản đòn.
Là đồng minh thân cận của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời lại có tới 70.000 binh sĩ đồn trù và rất nhiều căn cứ quân sự trong vùng, Mỹ không thể làm ngơ trước đòi hỏi mới của Trung Quốc vì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra những tuyên bố cứng rắn bác bỏ vùng AIDZ của Trung Quốc, Washington còn công khai điều hai máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam tới thẳng vùng trời Trung Quốc muốn kiểm soát. Trớ trêu cho Trung Quốc là hai máy bay này của Mỹ chỉ là loại cũ, không trang bị vũ khí, có tốc độ bay “siêu chậm” so với các loại máy bay chiến đấu hiện nay và thực hiện hành trình suốt gần một giờ đồng hồ mà không hề thực hiện bất kỳ “kết nối” nào với phía Trung Quốc theo quy định đề ra của Bắc Kinh. Qua hành động phản đòn này, Washington muốn để Bắc Kinh thấy rằng họ vẫn chưa đủ khả năng và cũng chưa sẵn sàng thực hiện tuyên bố của mình về ADIZ.
Nối chân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cử các máy bay vào vùng ADIZ, cho dù Trung Quốc cũng cố vớt vát thể diện bằng cách điều các máy bay tuần tra đơn lẻ trên cả một vùng trời rộng lớn.
Có lẽ khi tuyên bố lập ra ADIZ, Trung Quốc không ngờ Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc lại có phản đòn mạnh mẽ đến vậy. Không quá khi có những ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã không tính toán kỹ trước khi khua trống trận ở nơi có nhiều tuyến đường bay quan trọng đi qua và do vậy, đã tự đặt mình vào thế “cưỡi trên lưng hổ” đầy nguy hiểm hiện nay. Bước tiếp sẽ đẩy khu vực vào bất hòa, thậm chí nguy cơ “cướp cò” nếu chẳng may có những tính toán sai lầm; nhưng dừng lại thì không khác nào hành động tự hạ thấp thể diện của mình.
Đức Vũ