Thị trấn nằm dưới "họng súng" ở biên giới Ukraine
(Dân trí) - Nằm ở chiến tuyến giữa làn đạn của quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông, Marinka dường như đang bị lãng quên.
Thị trấn giữa làn đạn
Đứng trước hiên nhà, trên tay cầm một tờ báo địa phương với tiêu đề bài viết trang chủ rằng Nga đang đưa xe thiết giáp đến biên giới Ukraine, bà Vera Basova, một người dân ở thị trấn Marinka, quay sang nói với hàng xóm: "Vì sao họ lại đưa xe thiết giáp đến đây"?
Người phụ nữ 90 tuổi này lo ngại bà sẽ sớm phải quay lại ẩn nấp dưới tầng hầm để tránh đạn pháo giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông. Chiến sự ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine đã bước sang năm thứ 8 và đến nay đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Nga gần đây đã tăng cường binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine. Đây là đợt điều động lớn nhất của Nga kể từ năm 2014. Mỹ và các đồng minh NATO đã hối thúc Nga rút lực lượng nhằm hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, Moscow khẳng định việc điều động lực lượng trong lãnh thổ Nga là hoàn toàn bình thường và không nhằm vào bất cứ nước nào.
Bà Basova sống ở Marinka, một thị trấn nhỏ nằm trong khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát, cách Donetsk - thành trì của lực lượng ly khai - chỉ 23km về phía tây nam, và cách biên giới Nga khoảng 80km. Ở đây, ngôi nhà nào cũng có dấu vết tàn tích của chiến sự. Trẻ nhỏ nô đùa giữa tiếng chim hót và cả tiếng súng nổ.
Trước khi chiến sự nổ ra, nhiều người ở Marinka hàng ngày vẫn di chuyển đến Donetsk để làm việc và mua sắm. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Marinka mắc kẹt giữa những trận pháo kích khiến nhiều người gồm cả binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Bà Basova nhớ lại lần bà hoảng sợ bỏ chạy khi thấy những cầu lửa trên bầu trời cùng tiếng nổ lớn khiến bà mất thính giác tạm thời. Bà bắt đầu khóc khi nói đến nỗi nhớ da diết cô con gái ở Donetsk mà bà chưa thể gặp lại suốt hơn 1 năm qua. Svitlana Derkach, hàng xóm của bà, cũng có những nỗi niềm tương tự.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi tiến hành hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp. Mỹ và các đồng minh NATO đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, giống như hầu hết người dân ở Marinka, bà Derkach không chắc phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Nga.
Vùng đất bị lãng quên
Khi chiến sự bắt đầu nổ ra vào năm 2014, Marinka bị cắt nguồn cung khí đốt và đến nay vẫn chưa được khôi phục. Hầu hết các cơ sở kinh doanh ở đây hoặc bị phá hủy do chiến sự hoặc phải ngừng hoạt động. Nhiều cánh đồng bị gài mìn khiến cho việc canh tác là điều không thể. Trong khi đó, nước uống phải đưa từ các nơi khác đến bởi các giếng và hệ thống cấp nước ở đây đã bị ô nhiễm.
Người dân địa phương chủ yếu trồng trọt trong các mảnh vườn nhà để đáp ứng nhu cầu thực phẩm mặc dù quân đội nói rằng người họ vẫn có thể ra ngoài trước buổi trưa vì khi đó nguy cơ "tên bay, đạn lạc" ít hơn. "Cuộc sống ở đây dừng lại sau nửa ngày", Alina Kosse, 62 tuổi, giám đốc một trung tâm huấn luyện và nghệ thuật ở địa phương, cho biết.
Trước kia, Marinka có khoảng 10.000 dân nhưng gần một nửa trong số đó đã rời đi kể từ sau năm 2014. Những người còn ở lại không hẳn có chung quan điểm. Bà Kosse tin rằng, nhiều người ở địa phương có quan điểm ủng hộ Nga. Kosse cho biết, nhà của bà từng bị ném thuốc nổ chỉ vì bà hỗ trợ quân đội Ukraine.
Bà Basova đã sống sót qua thế chiến thứ hai và không bao giờ nghĩ rằng sẽ phải trải qua một cuộc chiến nào khác nữa. Tuy vậy, thực tế, bà đã phải chứng kiến một cuộc chiến nữa thậm chí dai dẳng hơn ở những năm cuối cùng cuộc đời. Mỗi khi nghe thấy tiếng súng, bà chỉ biết đọc kinh cầu nguyện, hy vọng cuộc chiến này sẽ kết thúc.