1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thêm kịch bản chiến tranh thế giới bắt nguồn từ biển Đông

Nhiều nước lớn như Anh, Mỹ, Nga đã lên tiếng cảnh báo về cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ bắt nguồn từ những mâu thuẫn trên biển Đông.

Báo Anh cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên biển Đông

Tờ The Independent của Anh ngày 20/2 bình luận, tháng 11/2018 tới đây sẽ là lúc kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới (CTTG) thứ nhất kết thúc. Đến khi đó thế giới lại có thể thấy một liên minh lớn vừa tuyên chiến với Trung Quốc.

Theo nguồn tin này, ngay đầu năm 2016, nguy cơ một cuộc chiến tranh kiểu cũ đã bị đun sôi ở biển Đông, trong đó nổi bật lên là sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Tháng 9 năm ngoái khi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cái bẫy Thucydides.

Đây là những tuyên bố từng được sử gia thành Athens Thucydides tuyên bố cách đây hơn 2.400 năm: “Nếu sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ này lan truyền ở Sparta thì việc dẫn đến chiến tranh là không thể tránh khỏi”.

Khi đó, Thucydides đã chỉ ra những động lực chủ yếu: Một bên thể hiện ham muốn khẳng định sức mạnh và luôn cảm thấy tầm vóc quan trọng trong vị thế mới của mình; trong khi bên kia là nỗi sợ bị giành mất quyền lực và sự quyết tâm bảo vệ vị trí đang có.

Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Giới phân tích cho rằng lịch sử đang lặp lại, dưới dạng thức mới, thể hiện trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh không chỉ ngoi lên như một cường quốc kinh tế mà còn là một sức mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn khái niệm cái bẫy Thucydides tại Mỹ trong khi nước này đã chuyển đổi hàng ngàn tàu buôn sang cho quân đội có thể trưng dụng bất cứ lúc nào, phát triển tên lửa "sát thủ tàu sân bay Hoa Kỳ", thử vũ khí siêu thanh có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Thậm chí năm 2015 bất chấp suy giảm kinh tế nói chung, Trung Quốc vẫn gia tăng ngân sách cho quốc phòng để "không một kẻ thù nào dám bắt nạt". Bây giờ đã tới lúc những khẳng định này của ông Tập Cận Bình được kiểm tra trong thực tế.

Theo The Independent, 5 năm trước, khi sức mạnh kinh tế tăng vọt, Bắc Kinh đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông.

Tuy nhiên kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, ông đã cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton lựa chọn chuyển trọng tâm chiến lược đối ngoại sang châu Á để làm rõ với các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ không thể tự tung tự tác, thích làm gì thì làm.

Mới đây, ngày 16/2, Bắc Kinh đã đưa 2 khẩu đội tên lửa HQ-9 cùng 1 hệ thống radar đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ra những căng thẳng mới trong quan hệ giữa 2 nước.

Trước động thái mới này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban nhấn mạnh: “Tuy tôi không thể bình luận về những vấn đề liên quan đến tình báo, tôi khẳng định chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ”, ông Urban nói.

Trước đó, nhằm đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông, Washington đã từng điều tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen được giao thực hiện nhiệm vụ này trong vòng 24 giờ.

Song song với đó, chính quyền Obama cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác và ủng hộ các nước ASEAN trong việc thực hiện chủ quyền trên vùng biển Đông.

Nhiều tiếng nói cảnh báo CTTG thứ 3 trên biển Đông

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các nước lên tiếng cảnh báo về một cuộc CTTG thứ 3 có thể xảy ra trên khu vực biển Đông.

Ngày 21/11/2015 , Tạp chí Mỹ National Interest đã đăng nhận định của các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ cho rằng biển Đông chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh đối đầu giữa các nước.

Đầu tiên là xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh các đảo Sensaku/Điếu ngư giữa hai nước này. Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo và triển khai lực lượng vũ trang ở khu vực gần các đảo.

National Interest nhận định nếu như xung đột Trung Quốc – Nhật Bản bùng nổ, Mỹ, nước gắn kết với Nhật Bản bằng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau sẽ phải can thiệp, còn Trung Quốc sẽ tìm cách ra tay trước bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự Mỹ trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và các đơn vị Hải quân và Không quân Trung Quốc trên biển Đông cũng là một nguy cơ làm bùng phát CTTG thứ 3. Nếu một trong các bên mất kiểm soát có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chiến tranh Mỹ- Trung Quốc sẽ là một thảm họa, Nhật Bản và Ấn Độ có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh này.

Trước đó, hồi tháng 6/2015, phát biểu tại Lầu Năm Góc, nhà tương lai học Peter Singer cảnh báo giới lãnh đạo quân sự Mỹ rằng tranh chấp trên biển Đông sẽ làm bùng nổ CTTG lần thứ 3 với Trung Quốc trong thời gian gần.

Theo ông Singer, tình hình Biển Đông nhanh chóng "tăng nhiệt". Thay đổi chủ yếu là việc Washington thực sự bắt đầu can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bối cảnh của động thái trên là việc Bắc Kinh gia tăng tốc độ cải tạo và xây dựng đảo ở khu vực này.

Trong tương lai sẽ xuất hiện những tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông với mục đích gia tăng mạnh mẽ năng lực quản lý, kiểm soát vùng biển này. Tình trạng đối đầu chính thức ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ trở thành "kho thuốc súng" làm bùng nổ CTTG thứ 3.

Nhiều nước lớn trên thế giới đồng loạt lên tiếng cảnh báo về cuộc CTTG thứ 3 liên quan đến căng thẳng trên biển Đông.
Nhiều nước lớn trên thế giới đồng loạt lên tiếng cảnh báo về cuộc CTTG thứ 3 liên quan đến căng thẳng trên biển Đông.

Không chỉ Anh, Mỹ mà ngay cả Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc CTTG thứ 3 có thể xảy ra trên biển Đông. Ngày 23/11, Tờ “Svodnaia Pressa” dẫn lời chuyên gia hàng đầu của Trung tâm phân tích quân sự chính trị MGIMO (Trường đại học qua hệ quốc tế Matxcova) Mikhail Aleksandrov về những mâu thuẫn tiềm tàng xung quanh khu vực biển Đông.

Theo lời vị chuyên gia này, mâu thuẫn Trung- Nhật, xung đột Trung Quốc với các nước quanh quần đảo Trường Sa đều có thể trở thành một cuộc CTTG với quy mô lớn.

Ông Mikhail Aleksandrov nhận định, chỉ bằng vũ khí chiến lược phi hạt nhân của mình đang được bố trí xung quanh Trung Quốc, người Mỹ cũng đã dễ dàng tiêu diệt Hải quân Trung Quốc, phong tỏa Trung Quốc ở chiến trường trên bộ, và tiếp theo đó là các lực lượng của quân khởi nghĩa địa phương và quân khủng bố sẽ vào cuộc.

Rõ ràng, cùng với những nóng khác tại Trung Đông, Ukraine, hay mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan thì Biển Đông chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất xảy ra CTTG thứ 3 nếu như các nước không có sự kiềm chế và những kế hoạch hợp tác nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt