1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế khó của Nga sau vụ bắt tàu chiến Ukraine

(Dân trí) - Việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine cùng 24 thủy thủ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, tuy nhiên đây có thể là cơ hội để Kiev gia tăng sức ép với Moscow.

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine


Cuộc rượt đuổi giữa tàu Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: TASS)

Cuộc rượt đuổi giữa tàu Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: TASS)

Lực lượng an ninh Nga ngày 25/11 đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc xâm phạm trái phép vùng lãnh hải Nga, trong khi Ukraine gọi đây là “hành vi gây hấn” của Moscow. Vụ việc căng thẳng trên xảy ra tại eo biển Kerch, nơi chia tách biển Azov và biển Đen ở phía nam Ukraine và Nga đồng thời là tuyến hàng hải quan trọng đối với nền kinh tế của hai nước này.

Một trong những phản ứng đầu tiên của Ukraine sau vụ đụng độ trên biển với Nga là ban bố tình trạng thiết quân luật tại một số khu vực giáp biên giới Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảnh báo về mối đe dọa xâm chiếm trên bộ “cực kỳ nghiêm trọng”, đồng thời cho biết lệnh thiết quân luật là cần thiết để thúc đẩy năng lực phòng vệ của Ukraine trong bối cảnh hiện nay.

Giới phân tích cho rằng vụ căng thẳng mới nhất giữa Nga và Ukraine có thể là “cơ hội tốt” cho Kiev khi các nước có khả năng sẽ gia tăng sức ép trừng phạt lên Moscow. Kể từ năm 2014, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi căng thẳng leo thang.

“Xét trên quan điểm của Ukraine, ở cấp độ nào đó, đây lại là thời điểm tốt (cho Ukraine)”, Tim Stanley, giám đốc điều hành cấp cao phụ trách Nga tại hãng tư vấn rủi ro Control Risks, nói với CNBC hôm 27/11.

“Hiện có phong trào tại châu Âu kêu gọi nới lỏng trừng phạt Nga. Tuy nhiên xét từ quan điểm của Ukraine, sức ép (trừng phạt) cần phải được duy trì. Rõ ràng, chúng ta sắp chứng kiến hội nghị G20 vào cuối tuần này tại Buenos Aires (Argentina) và có khả năng diễn ra cuộc gặp Trump - Putin, do vậy phía Ukraine cần duy trì sức ép (với Nga)”, ông Stanley nhận định.

Alex Brideau, giám đốc bộ phận nghiên cứu Á - Âu tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho rằng vụ việc căng thẳng gần đây với Ukraine có thể khiến Nga phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.

“Vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch và phản ứng của Ukraine cho đến nay mang các hàm ý địa chính trị, cũng như các tác động tới chính trị nội bộ của Ukraine”, ông Brideau nhận định.

“Các chính phủ phương Tây sẽ đứng về phía Ukraine để chống lại Nga trong vụ việc này, và có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga. Hiện vẫn chưa rõ bên nào (Nga hay Ukraine) đã hành động trước tại eo biển Kerch. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ phản ứng với việc các tàu Nga nổ súng về phía các tàu Ukraine. Việc Moscow sử dụng vũ lực sẽ là vấn đề gây chú ý đối với phương Tây”, ông Brideau nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ và EU trước đây từng cảnh báo Nga về việc gia tăng các hoạt động hải quân tại các vùng biển.

Phản ứng các bên


Bản đồ khu vực eo biển Kerch - nơi xảy ra vụ căng thẳng giữa các tàu Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: BBC)

Bản đồ khu vực eo biển Kerch - nơi xảy ra vụ căng thẳng giữa các tàu Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: BBC)

Vụ đụng độ giữa các tàu Nga và Ukraine xảy ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tuần này. Tổng thống Trump hôm qua cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh G20 có thể sẽ không diễn ra. Tổng thống Trump cho biết ông “không thích” tình hình căng thẳng như hiện nay và phản đối “sự hung hăng”, tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng từ chối đưa ra cáo buộc thẳng thừng nhằm vào Nga.

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ không gây sức ép với người đồng cấp Nga tại G20 trong vụ căng thẳng với Ukraine vừa qua. Nhận định này được đưa ra dựa trên căn cứ rằng, ông Trump thường ít khi công khai chỉ trích Nga cũng như Tổng thống Putin. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump dường như đang đẩy trách nhiệm xử lý vụ căng thẳng Nga - Ukraine cho EU. Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 26/11 cho biết họ đang giải quyết vấn đề này.

Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014, đồng thời cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai tại đông Ukraine mặc dù Moscow đã phủ nhận thông tin này. EU sẽ phải sớm đưa ra quyết định về việc có gia hạn các lệnh trừng phạt hay không. EU từng quyết định đóng băng các tài sản và ban hành lệnh cấm đi lại đối với các công dân Nga vì có liên quan tới vấn đề Ukraine.

Theo chuyên gia Alex Brideau, Mỹ và EU có thể sẽ công bố thêm các lệnh trừng phạt với Nga sau vụ căng thẳng gần đây.

“Nhiều khả năng Mỹ và EU lần này sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các các nhân và tổ chức (của Nga). Các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nhắm mục tiêu tới các ngành kinh tế mới hoặc các nhân vật cốt cán của Nga có thể sẽ chưa được áp dụng trừ khi căng thẳng leo thang”, ông Brideau cho biết thêm.

Cây cầu gây tranh cãi


Một tàu chở hàng Nga chặn bên dưới cầu Kerch trong khi máy bay chiến đấu hoạt động trên không trong vụ đụng độ với tàu Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: Reuters)

Một tàu chở hàng Nga chặn bên dưới cầu Kerch trong khi máy bay chiến đấu hoạt động trên không trong vụ đụng độ với tàu Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: Reuters)

Vụ đụng độ trên biển hôm 25/11 là vụ việc căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Ukraine - vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây. Sau vụ bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga cách đây 4 năm, vùng biển xung quanh Crimea đã trở thành một phần trong cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai nước.

Sự hiện diện của cầu eo biển Kerch, cây cầu nối Crimea với phần đất liền của Nga, càng làm gia tăng thêm tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine. Kiev cho rằng cây cầu này được thiết kế để phá hoại nền kinh tế Ukraine.

Châu Âu đương nhiên không “phớt lờ” việc Nga xây cầu Kerch vào năm 2017. EU đã áp lệnh trừng phạt đối với 6 công ty tham gia thi công cầu.

Cận cảnh cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea

“Cầu Kerch đã tạo ra một tình huống mà ở đó Nga nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với các tàu ra vào biển Azov. Đã có nhiều lời phàn nàn từ phía Ukraine về việc trì hoãn các hoạt động đi lại cũng như việc kiểm tra các tàu (đi qua cầu). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Ukraine vì hai cảng chính nằm trên biển Azov cho phép Ukraine xuất khẩu các sản phẩm thép và nông nghiệp”, chuyên gia Tim Stanley nhận định.

Theo ông Stanley, Ukraine cũng không hoàn toàn “vô can” trong các vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch. Trước đó, Nga và Ukraine liên tục tiến hành các vụ bắt giữ tàu để trả đũa lẫn nhau. Theo một thỏa thuận năm 2003 giữa chính phủ Moscow và Kiev, hai bên chia sẻ lãnh hải ở eo Kerch và biển Azov.

“Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ câu hỏi liên quan tới chủ quyền của Crimea. Xét từ quan điểm của Nga, Crimea hiện là vùng lãnh thổ thực tế của Nga. Do vậy, hiệp ước ký năm 2003, vốn dùng để kiểm soát việc ra vào biển Azov, không còn hiệu lực. Nhưng xét từ quan điểm của Ukraine, Crimea vẫn là phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và do vậy, không có bất kỳ sự thay đổi nào (trong hiệp ước ký năm 2003)”, ông Stanley cho biết.

Thành Đạt

Theo CNBC