1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga “giải mã” lệnh thiết quân luật của Ukraine giữa lúc căng thẳng

(Dân trí) - Cả tổng thống và quốc hội Ukraine đều nhất trí thông qua lệnh thiết quân luật sau khi xảy ra vụ đụng độ căng thẳng giữa các tàu của nước này với Nga và điều này được cho là xuất phát từ một số lý do nhất định.


Tổng thống Pyotr Poroshenko (giữa) chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine ngày 26/11. (Ảnh: EPA)

Tổng thống Pyotr Poroshenko (giữa) chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine ngày 26/11. (Ảnh: EPA)

Sau khi Nga nổ súng bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với lý do xâm phạm lãnh hải Nga gần eo biển Kerch hôm 25/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký một sắc lệnh, cho phép áp đặt thiết quân luật để “bảo vệ đất nước”. Không lâu sau đó, Quốc hội Ukraine cũng bỏ phiếu thông qua lệnh thiết quân luật, bắt đầu áp dụng từ ngày 28/12 và kéo dài trong 30 ngày.

Lệnh thiết quân luật của Ukraine sẽ được áp dụng tại các khu vực giáp biên giới Nga, Moldova, dọc bờ biển Đen và biển Azov. Theo Tổng thống Poroshenko, lệnh thiết quân luật sẽ cho phép Ukraine “phản ứng nhanh chóng”, đồng thời “huy động mọi nguồn lực trong thời gian nhanh nhất có thể” khi “xảy ra xung đột”.

Theo Sputnik, một trong những tác động chính của lệnh thiết quân luật đối với người dân Ukraine là quyền được tham gia vào các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Thiết quân luật mới được thông qua có thời hạn 30 ngày, đồng nghĩa với việc lệnh này ít nhất sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử tổng thống tại Ukraine, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019.

Nếu tổng thống và quốc hội Ukraine quyết định kéo dài lệnh thiết quân luật, chẳng hạn tăng lên 60 ngày, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình bỏ phiếu của người dân Ukraine trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 31/3 năm sau. Nói cách khác, chừng nào thiết quân luật tại Ukraine vẫn còn hiệu lực, Tổng thống Poroshenko vẫn còn có thể tiếp tục nắm quyền.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với quốc hội Ukraine. Cuộc bầu cử quốc hội Ukraine không thể diễn ra khi thiết quân luật chưa được dỡ bỏ. Nếu thiết quân luật kéo dài hơn một năm, các cuộc bầu cử quốc hội Ukraine, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019, sẽ bị hoãn lại. Trong thời gian này, cả tổng thống và quốc hội đều không thể sửa đổi hiến pháp Ukraine, trong đó có các quy định về thiết quân luật.


Các tàu của Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11. (Ảnh: Sputnik)

Các tàu của Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11. (Ảnh: Sputnik)

Mặc dù các quyền cơ bản vẫn được giữ nguyên ngay cả khi áp dụng thiết quân luật, song người dân Ukraine vẫn bị hạn chế một số quyền nhất định. Cụ thể, chính quyền Ukraine có thể ban hành lệnh cấm người dân tụ tập, đình công hay biểu tình nếu Kiev cho rằng đây là những hành động “mang tính đe dọa”. Ngoài ra, Ukraine cũng có thể ban hành lệnh giới nghiêm và hạn chế hoạt động đi lại của người dân trên cả nước nếu Kiev xem đây là điều cần thiết.

Ngoài các tác động trên, trong thời gian thực thi lệnh thiết quân luật, chính quyền Ukraine có quyền trưng dụng bất kỳ tài sản cá nhân nào để phục vụ nhu cầu của quân đội và chủ sở hữu của các tài sản này có thể được bồi thường trong những trường hợp nhất định. Nếu cần thiết, chính quyền Ukraine có thể huy động người dân tham gia quân đội nếu họ đủ điều kiện.

Ngoài ra, Kiev cũng có thể chỉ đạo bất kỳ nhà máy hay xí nghiệp nào chuyển hoạt động sản xuất sang phục vụ quân đội trong thời gian lệnh thiết quân luật còn hiệu lực. Bên cạnh đó, giờ và điều kiện làm việc có thể thay đổi theo quy định của chính phủ, mặc dù người lao động vẫn có quyền nghỉ ngơi và nhận mức lương tối thiểu.

Việc không tuân thủ các yêu cầu và quy định của chính quyền trong thời gian áp đặt thiết quân luật cũng bị trừng phạt tương tự như luật bình thường. Chính quyền Ukraine có thể kéo dài thiết quân luật nếu nhận thấy mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chưa chấm dứt.

Nhận định của Nga


Bản đồ eo biển Kerch - nơi xảy ra vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: BBC)

Bản đồ eo biển Kerch - nơi xảy ra vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: BBC)

Giới chức và nghị sĩ Nga nhận định lệnh thiết quân luật của Ukraine hàm chứa nhiều tác động chính trị. Nghị sĩ Igor Lutsenko của Nga đã chỉ ra mối liên kết giữa việc tổng thống Ukraine tuyên bố thiết quân luật với cuộc bầu cử tại nước này vào năm sau.

“Lời giải thích đơn giản nhất đó là ông Poroshenko đang xem xét khả năng ban bố thiết quân luật với việc hủy các cuộc bầu cử”, nghị sĩ Lutsenko nhận định.

Tại Moscow, Thượng nghị sĩ Franz Klintsevich nói rằng nhiều khả năng lệnh thiết quân luật tại Ukraine sẽ được gia hạn cho tới khi bầu cử diễn ra, từ đó hủy kế hoạch bỏ phiếu của các cử tri. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cũng đồng tình với quan điểm này.

“Liên quan tới việc áp đặt thiết quân luật tại Ukraine, rõ ràng đây không phải là hệ quả, mà là nguyên nhân. Có khả năng toàn bộ hành động khiêu khích trên biển Azov thực chất đã được lên kế hoạch từ trước”, ông Kosachev cho biết.

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine

Theo Eduard Popov, chuyên gia về các vấn đề Ukraine tại Moscow, vụ việc căng thẳng xảy ra tại eo biển Kerch đã được dàn xếp từ trước nhằm phục vụ cho lợi ích của Tổng thống Poroshenko - người đang mong muốn hoãn cuộc bầu cử sắp tới tại Ukraine.

“Vụ xung đột tại biển Azov được dàn dựng ngay từ đầu và đây là cuộc xung đột giả. Ukraine cố tình thổi bùng lên để tác động tới cuộc bầu cử, từ đó hoãn vô thời hạn”, chuyên gia Popv nhận định.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu CIS Vladimir Zharikhin cũng đồng tình với quan điểm trên.

“Nếu áp đặt thiết quân luật trong 2 tháng, điều đó có nghĩa hạn chót bầu cử sẽ phải thay đổi. Ông Poroshenko rõ ràng đang tìm lý do để hủy hoặc hoãn cuộc bầu cử này giữa lúc tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đang ở mức thấp”, chuyên gia Zharikhin giải thích.

Theo Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, “về cơ bản, lệnh thiết quân luật được đưa ra dựa trên tính toán về việc hoãn cuộc bầu cử tổng thống (Ukraine) năm 2019 cũng như hạn chế quyền bỏ phiếu của công dân. Đây cũng là lý do ông Poroshenko thực hiện hành vi khiêu khích tại eo biển Kerch”.

Đáp lại những cáo buộc của Nga, Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine Irina Gerashchenko khẳng định “thiết quân luật không đồng nghĩa với việc tự động hủy cuộc bầu cử” tại Ukraine. Bà Gerashchenko cũng bác bỏ cáo buộc rằng Tổng thống Poroshenko có ý định hủy các cuộc bầu cử tại Ukraine vào năm sau, hay can thiệp vào kết quả của các cuộc bầu cử này.

“Ông Poroshenko không e ngại cuộc bầu cử”, bà Gerashchenko khẳng định.

Thành Đạt

Theo Sputnik, TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm