Thế giới vượt mốc 6 triệu ca Covid-19
(Dân trí) - Số ca Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã vượt mốc 6 triệu, trong bối cảnh châu Mỹ đang là khu vực "tăng nóng" số người mắc bệnh.
Theo thống kê của đại học John Hopkins (Mỹ), số ca Covid-19 trên toàn thế giới đã lên 6,1 triệu, trong khi số người qua đời vì bệnh là 371.000.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,8 triệu ca bệnh và hơn 104.000 người chết. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh - tâm chấn mới của dịch - chứng kiến sự tăng vọt số ca bệnh những ngày qua và được đự đoán sẽ chứng kiến thêm nhiều tuần khó khăn trước mắt. Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới về số ca bệnh khi họ sắp chạm mốc nửa triệu người mắc Covid-19 và gần 30.000 người chết.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định cắt tài trợ vĩnh viễn cho tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc WHO bị Trung Quốc chi phối và chậm trễ ứng phó Covid-19. Động thái của ông Trump đã gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua.
“Giờ là lúc để tăng cường hợp tác và tìm ra giải pháp chung. Phải tránh các động thái làm suy yếu tình hình quốc tế”, Liên minh châu Âu EU cho biết trong một thông báo.
Tại châu Âu, số lượng ca nhiễm mới theo ngày đã có xu hướng giảm dẫn tới việc các bên thúc đẩy chính phủ khởi động lại kinh tế. Một số điểm du lịch ở Italia đã mở lại trong khi Pháp cũng cho phép các cửa hàng mở lại.
Tại một số nơi trên thế giới, chính quyền các nước đã gặp áp lực dồn dập về việc nới lỏng các lệnh hạn chế và giãn cách xã hội bất chấp các chuyên gia cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Tại Anh - quốc gia dự kiến tiếp tục giãn phong tỏa vào ngày 1/6, các cố vấn cấp cao bày tỏ lo ngại rằng chính phủ mở cửa quá sớm.
“Covid-19 lây lan quá nhanh để gỡ phong tỏa ở Anh”, chuyên gia Jeremy Farrar, một thành viên thuộc nhóm cố vấn khoa học trong tình huống khẩn cấp của chính phủ, cho hay.
Ấn Độ cuối tuần qua cho biết họ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa lên hơn 1 tỷ dân bắt đầu từ đầu tháng 6, bất chấp họ vừa trải qua ngày có số ca Covid-19 tăng kỷ lục.
Iran thông báo cho phép nối lại các hoạt động cầu nguyện tập thể, bất chấp số ca bệnh có dấu hiệu gia tăng tại vùng dịch nghiêm trọng nhất Trung Đông.
Theo AFP, sau nhiều tháng đình trệ vì dịch, thiệt hại kinh tế từ phong tỏa và giãn cách xã hội ngày càng nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ ở quý 1 đạt mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong khi đó, Canada, Brazil, Pháp, Italia chứng kiến chỉ số GDP sụt giảm.
Dịch bệnh khiến cho những người nghèo trở nên dễ tổn thương. Giáo hoàng Francis đã kêu gọi “một xã hội công bằng hơn” trên thế giới hậu Covid-19 và mong muốn mọi người hành động “chấm dứt đại dịch đói nghèo”.
Đức Hoàng
Theo AFP