Thế giới sẽ đón năm mới 2021 khác lạ giữa "sóng thần" Covid-19
(Dân trí) - Giao thừa năm 2020-2021 tại nhiều nơi trên thế giới được dự đoán sẽ khác mọi năm khi các sự kiện đón năm mới vui nhộn, đông đúc như nhạc hội hay pháo hoa bị hủy bỏ do dịch bệnh Covid-19.
Năm 2020 sắp khép lại những ngày thế giới "quay cuồng" trải qua đại dịch Covid-19. Chỉ trong vài trăm ngày, hơn 83 triệu người đã mắc Covid-19, hơn 1,8 triệu người đã qua đời vì đại dịch.
Cho tới lúc này, các làn sóng bùng phát dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên các quốc gia, buộc chính quyền và các nhà tổ chức nhiều nơi phải hủy bỏ các sự kiện chào đón năm mới thường lệ.
Quảng trường Thời đại sẽ không đông đúc như thường lệ
Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ năm nay sẽ vẫn trang hoàng quả cầu pha lê nổi tiếng và thả xuống vào 23h59 đêm giao thừa. Tuy nhiên, địa điểm nổi tiếng - nơi thu hút hàng nghìn người mỗi năm đón chào năm mới - năm nay dự kiến sẽ im lặng bất thường vì người dân không được tham gia sự kiện thả quả cầu và đếm ngược đón năm mới 2021. Sự kiện này sẽ được truyền hình trực tiếp để người dân có thể xem từ nhà.
Người Australia ở nhà xem pháo hoa
Tại cảng Sydney, Australia, một trong những nước đầu tiên đón mừng năm mới, màn pháo hoa rực rỡ vẫn sẽ được tổ chức, nhưng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân ở nhà xem trên truyền hình để ngăn nguy cơ lây lan mầm bệnh. Các khu vực an toàn sẽ được lập ra và chỉ có số người giới hạn được vào để xem pháo hoa nhằm đảm bảo quy tắc giãn cách xã hội được thực thi.
Nhiều "bữa tiệc" pháo hoa ở châu Âu bị hủy
Tại những địa điểm nổi tiếng như Las Vegas (Mỹ), Khải Hoàn Môn (Pháp), các sự kiện pháo hoa đã bị thông báo hủy bỏ. Thậm chí, một số bữa tiệc riêng đón năm mới cũng bị cấm tổ chức ở một số nơi.
Trên thế giới, lễ giao thừa năm nay được dự đoán sẽ rất khác biệt so với mọi năm với những quảng trường, con đường, địa điểm dự kiến vắng bóng người.
Năm nay, Đức ra lệnh cấm bán pháo hoa, thứ mà người dân thường đốt trên đường phố vào đêm giao thừa. Một buổi bắn pháo hoa hoành tráng ở thủ đô Berlin năm nay cũng bị hủy bỏ.
Màn bắn pháo hoa nổi tiếng trên sông Thames, London năm nay cũng bị hủy bỏ khi phần lớn nước Anh đang thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Người dân sẽ ở nhà và đón năm mới qua màn hình tivi.
Tại Rome, Italy, các màn pháo hoa vẫn diễn ra, nhưng các buổi hòa nhạc diễn ra ở nơi công cộng sẽ bị hủy bỏ vì dịch bệnh. Tại Vantican, Giáo hoàng Francis sẽ không tới Quảng trường St. Peter vào ngày 31/12, mà ông dự kiến sẽ phát biểu chào năm mới trong nhà, để ngăn đám đông tụ tập.
Tại Rio De Janeiro, Brazil - một trong vùng dịch lớn, chính quyền đã hủy các sự kiện pháo hoa và hạn chế người dân tới các bãi biển đón năm mới nhằm ngăn chặn tụ tập đông người.
Tại Nga, nhiều hoạt động công cộng và sự kiện đã bị hạn chế tổ chức khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh.
Ba Lan đã yêu cầu người dân không được ra đường trong khoảng thời gian từ 19h ngày 31/12 tới 6h sáng ngày 1/1/2021. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phong tỏa 4 ngày bắt đầu từ đêm giao thừa và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng lực lượng an ninh sẽ kiểm tra các khách sạn để dẹp bỏ các bữa tiệc bị cấm tổ chức.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân đón giao thừa bằng việc thắp nến tưởng nhớ những người đã thiệt mạng vì Covid-19 và cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Châu Á thận trọng
Ở Châu Á, Hong Kong năm nay sẽ lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức lễ đếm ngược theo hình thức trực tuyến.
Tại vịnh Marina Bay, Singapore sẽ không bắn pháo hoa vào đêm giao thừa để ngăn việc người dân tụ tập đông đúc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hàn Quốc đã ban hành lệnh cấm tụ tập quá 5 người ở nơi công cộng, và đóng cửa nhiều địa điểm tham quan từ 24/12 tới 3/1.