Thế giới “ngóng” cuộc giải cứu thợ mỏ Chile
(Dân trí) - Khán giả màn ảnh nhỏ toàn cầu đã theo dõi trực tiếp khi khoang cứu hộ đưa thợ đầu tiên lên mặt đất - khoảnh khắc mà nhiều người cảm giác giống giây phút con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng cách đây hơn 40 năm.
Juan Illanes - thợ mỏ thứ 3 được giải cứu.
Khoang cứu hộ, tên gọi Phoenix 2, đã đưa thợ mỏ đầu tiên Florencio Avalos lên mặt đất vào đêm qua theo giờ địa phương. Chile, cùng với thế giới, đã chờ đợi ngày này hơn 2 tháng.
Mọi người đã lên mạng để đọc, bật tivi để xem và nghe khi Avalos trở về an toàn sau đoạn đường dài hơn 600m từ dưới lòng đất. Một giờ sau đó là thợ mỏ thứ 2, Mario Sepulveda, rồi lần lượt tới người thứ 3, 4 và 5.
Gia đình các thợ mỏ từng từ bỏ hi vọng gặp lại họ. Cho đến ngày 22/8, tức là 17 ngày sau vụ sập tại mỏ San Jose ở miền bắc Chile, hi vọng lại được nhen nhóm khi một thông điệp được buộc vào mũi khoan cho biết 33 thợ mỏ vẫn còn sống.
Hàng triệu người đã dõi theo nỗ lực giải cứu khi các nhân viên cứu hộ hoàn thành một mũi khoan đủ rộng để khoang cứu hộ đi lên, đi xuống.
Những người theo dõi từ khắp toàn cầu, từ các thợ mỏ cho tới các nhà lãnh đạo thế giới, đã ngóng chờ từng giây từng phút trong đêm khi khoang Phoenix 2 mang màu cờ Chile được đưa xuống mỏ San Jose.
Sự sống sót kỳ diệu của họ đã biến thành một câu chuyện toàn cầu. Những hình ảnh từ hiện trường được phát sóng từ trực tiếp tới người xem tại New York, Sydney, London và Tokyo.
Hãng thông tấn Anh BBC phát hình ảnh trực tiếp về chiến dịch giải cứu lên trang nhất, cùng với các thông tin chi tiết khác nhận được từ người thân và các chính trị gia Chile đang chờ đón những người hùng của đất nước.
Các mạng lưới truyền hình lớn của Nhật Bản cũng phát sóng trực tiếp, kèm theo là hồ sơ về 32 thợ mỏ Chile và một người Bolivia.
Các bác sĩ Nhật Bản còn thảo luận về những biến chứng y học khác nhau mà 33 thợ mỏ có thể gặp phải, trong khi các đài truyền hình, các trang web và bản tin phát thanh của Australia dành toàn bộ chương trình để đưa tin về chiến dịch giải cứu.
“Đáng lẽ hôm nay là một ngày nghỉ dành cho tôi và tôi đã lên kế hoạch đọc sách”, Tetsuro Umeji, giáo viên tiếng Anh trung học tại thành phố Kudamatsu (Nhật Bản), viết trên trang bạn đọc viết của BBC.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra tuyên bố cho biết ông cũng đang dõi theo 33 thợ mỏ, vốn đã lập kỷ lục sống sót trong lòng đất.
“Tôi luôn nghĩ về họ và cầu nguyện cho các thợ mỏ dũng cảm, gia đình họ và cả những người đang nỗ lực hết mình để giải cứu họ”, ông Obama nói một tuyên bố bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha.
“Mặc dù cuộc giải cứu chưa hoàn thành và công việc khó khăn vẫn còn nhưng chúng tôi cầu nguyện để các thợ mỏ lên mặt đất an toàn và sớm trở về với gia đình”, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.
Đại sứ quán Chile tại thủ đô Washington DC, Mỹ cũng đã dựng một màn hình lớn để phát sóng trực tiếp sứ mệnh cứ hộ.
Trong các nước nói tiếng Tây Ban Nha, chiến dịch giải cứu cũng tràn ngập các trang web và các kênh truyền hình tin tức.
Tờ Univision tiếng Tây Ban Nha đã đưa video trực tiếp lên trang web, trong khi tờ La Tercera của Chile tạo các ô trống để điền tên các thợ mỏ được giải cứu.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc và kênh truyền hình quốc gia đã cử phóng viên tới đưa tin trực tiếp từ hiện trường. Các cổng thông tin thu hút đông bạn đọc như Sohu và Sina đưa các cột đặc biệt trên trang nhất tường thuật nỗ lực giải cứu.
Trên khắp châu Á, tại Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, người dân vui mừng với thông tin các thợ mỏ đầu tiên được đưa ra ngoài an toàn.
Kênh truyền hình tiếng Anh của đài Al-Jazeera đã có một phóng viên tại hiện trường để cập nhật các thông tin mới nhất.
Qua trang tiểu blog, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các thợ mỏ và nhóm cứu hộ. “Chúng tôi luôn bên cạnh Chile! Chúa cũng luôn bên cạnh các bạn”, ông Chavez viết.
An Bình
Tổng hợp