1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Các chuyên gia quốc tế đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm đánh bắt mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông, sau hàng loạt các hoạt động bồi đắp, bành trướng trong khu vực.

Thế giới lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Việt Nam khẳng định thông báo tạm ngừng đánh cá của Trung Quốc không có giá trị đối với khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. (Ảnh Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam ra khơi: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, “lệnh cấm đánh bắt cá mùa Hè” bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 1/5 đến 12 giờ (giờ địa phương) ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3,5 tháng. Lực lượng này “sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt” theo cái gọi là “quy định và luật pháp liên quan”.

Như thường lệ, Trung Quốc tuyên bố “lệnh” này “là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững và cải thiện sinh thái biển”.

Nhưng theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), việc khai thác ngao khổng lồ ở quy mô lớn và nạo vét để xây dựng đảo nhân tạo là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng tận diệt sinh vật biển, mà trong số này, phải đặc biệt kể đến những hoạt động của Trung Quốc.

VOAnews dẫn lời ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS khẳng định Trung Quốc đã phá hủy khoảng 40.000 mẫu rạn san hô để xây dựng các đảo nhỏ.

Ông Poling còn dẫn số liệu từ báo chí Philippines cho biết, năm ngoái, các hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của tàu thuyền Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô quanh bãi cạn ở Biển Đông.

Trang Benarnews cùng ngày dẫn lời ông Hunter Stires của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Mỹ John B. Hattendorf (thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Trung Quốc gây tai tiếng với việc ‘lát gạch’ trên hơn 3.200 mẫu rạn san hô để tạo ra một loạt đảo nhân tạo được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa”.

Ông Hunter Stires nói thêm rằng hoạt động đánh bắt bằng lưới cào của các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã phá hủy những vùng đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Trung Quốc thậm chí đã dùng tàu lắp hệ thống chân vịt để phá hủy các rạn san hô ở bãi cạn Scarborough (mà Philippines tuyên bố chủ quyền) với mục tiêu là đánh bắt loài ngao khổng lồ đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Trên trang web riêng, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới xác định: Các nhóm quân đội đồn trú trên biển đã bắn rùa và chim biển, đánh bắt bằng lưới lớn và chất nổ. Một số loài rùa và diều hâu đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Không công nhận yêu sách của Trung Quốc

Theo trang Benarnews, trước lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, cùng với hành vi hung hăng của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong những tháng gần đây, một số hiệp hội ngư dân trong khu vực đang kêu gọi chính phủ phản ứng.

Tại Manila, các tổ chức thủy sản địa phương đã kêu gọi chính phủ Philippines không nhượng bộ hành vi "bắt nạt" này. Ông Fernando Hicap, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức ngư dân nhỏ, nói: "Chính phủ Philippines không nên lãng phí thời gian và chờ đợi các cảnh sát biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân của chúng ta".

Theo ông Gregory Poling của Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, khoảng 4 triệu ngư dân Trung Quốc có thể ​​sẽ tuân theo lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng ngư dân từ các quốc gia khác sẽ không như vậy vì họ không công nhận yêu sách của Trung Quốc.

Trang Benarnews dẫn lời ông Hunter Stires cho rằng đằng sau “lệnh cấm đánh bắt cá” là ý đồ của Trung Quốc tiến tới một trật tự “khép kín, không tự do và theo chủ nghĩa Đại Hán (tức là coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới )” ở Biển Đông.

Ông nói: “Để biến tầm nhìn tham vọng của mình thành hiện thực, Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt tham vọng và luật pháp của nước mình lên ngư dân của các quốc gia khác”.

Kể từ năm 1999, Trung Quốc đều đặn ban hành lệnh cấm nói trên, nhưng trong bối cảnh của năm 2020, động thái này có một ý nghĩa mới.

Trả lời trang tin Diplomat, ông Gregory Poling cho rằng các hành vi quấy rối tại Biển Đông của Trung Quốc nhất quán với chính sách và hành vi lâu dài của nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước đang phải bận tâm đối phó với những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hành động của Trung Quốc làm trầm trọng thêm những sự bất bình cụ thể, dù muốn hay không, cũng đều vô nghĩa.

Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cảnh báo, lệnh cấm đánh bắt cá biển Bắc Kinh Biển Bắc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với các bên tranh chấp. Kang Lin, một thành viên nghiên cứu của Đại học Hải Nam, nói rằng trong tương lai gần sẽ không có khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, nếu đại dịch tiếp tục xấu đi và xuất khẩu thực phẩm bị cấm nhiều hơn, các quốc gia trong khu vực có thể gửi thêm tàu ​​đánh cá đến vùng biển để đảm bảo an ninh lương thực. Trong trường hợp đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ.

Tuệ An

Tổng hợp