1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tháo "ngòi nổ" khủng hoảng Qatar

Đang dần hé mở hy vọng giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất từ trước tới nay ở vùng Vịnh khi các bên liên quan đang tăng tốc các nỗ lực ngoại giao.


Đòn trừng phạt của một số nước Hồi giáo Ả-rập không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Qatar

Đòn trừng phạt của một số nước Hồi giáo Ả-rập không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Qatar

Khi quan hệ giữa Qatar với bên liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh là các quốc gia Hồi giáo trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đi đầu là Ả-rập Xê-út, còn khá căng thẳng thì đã xuất hiện những tín hiệu “ngược chiều”.

Trong đó đáng chú ý nhất là Qatar và Mỹ - quốc gia có tiếng nói rất có “trọng lượng” tại Trung Đông cũng như với GCC, vào ngày 14-6 đã ký thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ trị giá 12 tỷ USD, đồng thời Washington cũng điều 2 tàu chiến tới cảng Hamad ở phía Nam Thủ đô Doha ngày 14-6 để tham gia tập trận chung với hải quân Qatar.

Có thể thấy việc thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-15 và việc tàu chiến Mỹ đến Qatar tập trận đã lên lịch từ trước, song việc vẫn tiếp tục triển khai các hợp tác quan trọng này trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh trầm trọng hiện nay đủ cho thấy mối quan hệ đồng minh khăng khít giữa Doha và Washington. Bởi vậy mà căn cứ Al-Udeid tại Qatar hiện là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông với việc triển khai 11.000 quân và hơn 100 máy bay.

Trong khi đó, nhiều hoạt động ngoại giao khác cũng đang diễn ra nhằm sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu từ ngày 5-6 vừa qua khi Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và một số nước trong GCC khác đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố và quan hệ gần gũi với Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến công du tới Marocco ngày 14-6 đã khẳng định Paris đang nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dù có lên tiếng chỉ trích Doha về việc “hỗ trợ cho khủng bố” song cũng ủng hộ việc Kuwait - một thành viên quan trọng của GCC, đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Nhiều quốc gia khác, trong đó có các cường quốc như Nga, Đức… cũng đang gây sức ép, hối thúc các quốc gia vùng Vịnh giải quyết khủng hoảng bởi không chỉ ảnh hưởng tới các bên trong cuộc mà còn tác động xấu tới kinh tế, đặc biệt là nguồn cung khí đốt, dầu mỏ của thế giới.

Trong khi đó, đòn trừng phạt của các quốc gia Hồi giáo Trung Đông với Qatar nhằm ép “người anh em Hồi giáo Ả-rập” này thay đổi chính sách “thân khủng bố” cho đến nay vẫn chưa đủ mạnh với Doha - quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi tuyên bố Qatar có thể dễ dàng bảo vệ nền kinh tế và đồng nội tệ của nước này trước các biện pháp trừng phạt của các quốc gia Ả-rập khác.

Lời tuyên bố tự tin này được đưa ra sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (Qatar Petroleum) khẳng định tình hình kinh doanh của họ “vẫn như thường lệ”, trong khi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển thực phẩm đến Qatar nhằm vô hiệu hóa việc các nước Ả-rập khác “bế quan tỏa cảng” với Doha.

Bởi thế, giới quan sát cho rằng, cũng như cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh trước đây, các bên “trong cuộc” rồi sẽ lại dần xuống thang, tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bởi nói tác động tới không chỉ khu vực mà nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các cường quốc hàng đầu.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô