1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thảm sát ở Orlando: Vì sao "sói đơn độc" lại nguy hiểm?

Nguyên nhân khiến những “con sói đơn độc” khó bị phát hiện chính là bởi hoạt động độc lập của chúng.

Giới chức Mỹ cho biết, Omar Mateen, kẻ xả súng vào đám đông trong hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương rạng sáng 12/6 đã gọi cho 911 trước khi thực hiện vụ tấn công. Tên này thề trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi và đề cập đến kẻ đánh bom giải chạy marathon Boston hồi năm 2013.

Omar Mateen, kẻ thực hiện vụ xả súng vào đám đông trong hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12/6. (Ảnh: CBS News)
Omar Mateen, kẻ thực hiện vụ xả súng vào đám đông trong hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12/6. (Ảnh: CBS News)

Trong khi các quan chức thực thi pháp luật vẫn chưa thể xác nhận mối liên hệ giữa người đàn ông 29 tuổi này với các tổ chức khủng bố, đặc vụ Ron Hopper của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, Mateen đã nằm trong danh sách theo dõi kể từ năm 2013 sau khi các đồng nghiệp tố cáo hắn có những bình luận khá “manh động” về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Hopper cho biết, sau hai cuộc thẩm vấn, FBI không thể chứng minh rằng Mateen có liên hệ với bất kỳ nhóm khủng bố nào. FBI thẩm vấn Mateen thêm một lần nữa vào năm 2014 về mối quan hệ với một kẻ đánh bom tự sát nhưng lại phải để anh ta được tự do sau khi không có đủ bằng chứng thuyết phục.

Nguy hiểm hơn cả khủng bố có tổ chức

Vụ thảm sát được cho là khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa khôn lường đến từ những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”. Giới phân tích cho rằng, những cuộc tấn công kiểu này thường rất khó ngăn chặn trong khi thiệt hại lại không hề thua kém bất kỳ một cuộc tấn công có tổ chức nào khác.

Nguyên nhân khiến những “con sói đơn độc” khó bị phát hiện chính là bởi hoạt động độc lập của chúng.

“Không có đồng phạm trong các vụ tấn công kiểu này. Điều đó làm cho khả năng rò rỉ thông tin về âm mưu tấn công là rất thấp, vì thế mà các cơ quan thực thi pháp luật không thể đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời”, Michael German – một cựu đặc vụ FBI, chuyên gia chống khủng bố nội địa cho biết.

Scott Decker, giáo sư chuyên nghiên cứu về tội phạm và tư pháp hình sự tại Đại học Arizona nói: “Các cơ quan thực thi pháp luật làm việc dựa trên nhiều nguồn thông tin để xác định các mối đe dọa tấn công.

Càng tiếp xúc với nhiều cá nhân, họ càng có nhiều nguồn thông tin hơn để sàng lọc và xử lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc càng có nhiều người tham gia vào một cuộc tấn công thì càng có thêm khả năng để lộ các dấu vết”.

Thi thể các nạn nhân vụ xả súng được chuyển đến bệnh viện. (Ảnh: AP)
Thi thể các nạn nhân vụ xả súng được chuyển đến bệnh viện. (Ảnh: AP)

Jeffrey Simon, giảng viên thỉnh giảng tại khoa Khoa học Chính trị của UCLA Đại học California Los Angeles, tác giả cuốn Khủng bố sói đơn độc: Tìm hiểu và các mối đe dọa đang nổi lên lưu ý rằng, trong những năm gần đây, những con sói đơn độc đã cho thấy, về cơ bản, chúng thích hoạt động một mình nhưng vẫn có những trao đổi trên mạng Internet.

“Nhiều con sói đơn độc trước khi hành động đã có những bình luận rất cực đoan trên trang cá nhân, thậm chí nói về những suy tính bạo lực của chúng. Tuy vậy, thường thì những thông tin này được đăng tải ngay trước khi chúng ra tay và như thế là quá muộn để nhà chức trách có biện pháp ngăn chặn”, ông Simon nói.

Ẩn mình trên Internet

Theo ông Simon, ngay cả khi lực lượng thực thi pháp luật có phát hiện những dấu hiệu bạo lực tiềm tàng như vậy trước các cuộc tấn công thì quyền tự do ngôn luận lại chính là một yếu tố làm phức tạp thêm vấn đề.

Ông Simon nói: “Chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để tách biệt những quan điểm cá nhân thuần túy với quan điểm cực đoan của những kẻ thực sự ấp ủ âm mưu tiến hành một cuộc tấn công”.

Các chuyên gia đều có chung quan điểm cho rằng, cần phải lọc những bình luận trên trang mạng xã hội để phát hiện ra các mối đe dọa tiềm tàng bởi Internet dường như là môi trường khiến những con sói đơn độc dễ dàng trau dồi những yếu tố cần thiết nhằm chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công trong khi vẫn có thể ẩn mình an toàn.

Hiện trường vụ xả súng ở Orlando ngày 12/6. (Ảnh: Reuters)
Hiện trường vụ xả súng ở Orlando ngày 12/6. (Ảnh: Reuters)

“Internet đóng vai trò trung tâm gây lây lan chủ nghĩa khủng bố. Đặc biệt, các cá nhân ở Mỹ đã trở nên cực đoan hơn khi tiếp cận những thông tin từ nguồn này”, giáo sư Decker ám chỉ việc các nhóm Hồi giáo cực đoan sử dụng các diễn đàn và mạng xã hội để truyền bá tư tưởng bạo lực.

Ông Decker cũng lưu ý rằng: “Mối nguy hiểm tiềm tàng là vậy nhưng trong khi nhiều thông tin liên lạc điện tử có thể được theo dõi thì vẫn còn những vấn đề, chẳng hạn như tranh cãi giữa Apple và FBI liên quan đến vụ xả súng ở San Bernardino, đây là ví dụ điển hình cho thấy việc xác minh thông tin không phải lúc nào cũng đơn giản”.

Simon đồng ý với quan điểm cho rằng, Internet thực sự làm thay đổi cách thức hoạt động của chủ nghĩa khủng bố hiện tại, đặc biệt là của những con sói đơn độc. Ông nói: “IS đã cho thấy chúng có hiểu biết cực kỳ sâu rộng trong việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và Internet để truyền bá tư tưởng cực đoan và kêu gọi các cuộc tấn công bạo lực”.

Tuy nhiên, cựu đặc vụ FBI Michael German lại có lập luận hoàn toàn khác khi cho rằng, chiến lược “sự phản kháng đơn độc” (không cần thủ lĩnh, không cần tổ chức) mà IS và những nhóm khủng bố khác áp dụng không phải là điều gì mới mẻ và cũng không gây ấn tượng.

Ông German nói: “Chiến lược này là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, không phải sức mạnh”.

Kiểm soát súng đạn có giúp ngăn chặn bạo lực?

Trên thực tế, thay vì ngăn chặn các cá nhân thực hiện các vụ tấn công bạo lực bằng cách kiểm soát hoạt động của họ trên mạng Internet, một số quốc gia, chẳng hạn như Scotland và Australia đã ban hành lệnh cấm mua bán súng đạn.

Decker chỉ ra rằng, Mỹ từng ban hành một lệnh cấm vũ khí tấn công vào năm 1994 nhưng 10 năm sau Quốc hội nước này đã để cho lệnh cấm này hết hạn.

Những bó hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ xả súng ở Orlando. (Ảnh: New York Times)
Những bó hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ xả súng ở Orlando. (Ảnh: New York Times)

Nêu quan điểm về vấn đề này, giáo sư Decker cho biết: “Có thể cần phải thực hiện một số hạn chế với các loại vũ khí tấn công có mức độ sát thương cao, nhưng điều này cần rất nhiều ý chí chính trị. Có hơn 300 triệu khẩu súng lưu hành ở Mỹ. Việc giảm số lượng súng trường tấn công là nhiệm vụ khó khăn và có thể mất rất nhiều thời gian”.

Trong khi đó, giảng viên Simon lại tỏ ra bi quan khi cho rằng, ngay cả khi có giải quyết được vấn đề sở hữu súng đạn thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc sẽ giúp chấm dứt được những vụ việc đau lòng như vụ xả súng ở Orlando.

“Ngăn chặn việc tiếp cận vũ khí tự động có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại trong một số vụ tấn công nhưng chúng tôi nhận ra rằng, khủng bố dù là sói đơn độc hay một nhóm có tổ chức sẽ có cách có được vũ khí để phục vụ mục đích của chúng. Nếu không có súng, chúng có thể dùng bom. Vụ đánh bom giải Marathon Boston là một ví dụ điển hình”, ông Simon nói.

Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Decker, giám sát và kiểm tra an ninh là những hoạt động cần thiết để có thể giúp ngăn chặn những sự cố đáng tiếc, bất chấp việc động thái này có thể mở ra những tranh cãi về quyền tự do cá nhân.

Theo ông Simon, sau vụ việc đau lòng hôm 12/6, người ta có thể chứng kiến cảnh an ninh được tăng cường ở các địa điểm công cộng nhưng khi sức nóng của vụ việc “hạ nhiệt”, việc kiểm tra an ninh được nới lỏng thì nước Mỹ lại tiếp tục phải đối mặt với các cuộc tấn công khác.

Simon nói: “Chúng ta cần phải có thái độ nghiêm túc hơn trong cách xử lý tội phạm liên quan đến bạo lực. Hàng năm, có quá nửa số tội phạm loại này không được giải quyết, trong đó có cả các vụ giết người. Nếu mạnh tay hơn với bạo lực thì người Mỹ mới có thể được an toàn”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm