1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thẩm phán Mỹ: "Các tổng thống không phải là vua"

(Dân trí) - Một thẩm phán liên bang Mỹ đã yêu cầu các trợ lý/cựu trợ lý của Tổng thống Donald Trump phải tuân thủ trát triệu tập từ Quốc hội để ra điều trần. Thẩm phán này nhấn mạnh những quan chức/cựu quan chức này không thể đòi quyền miễn trừ hoàn toàn vì “các tổng thống không phải là vua”.

Thẩm phán Mỹ: Các tổng thống không phải là vua - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Theo BBC, thẩm phán liên bang Ketanji Brown Jackson đã phán quyết rằng mọi nhân viên Nhà Trắng đều phải ra điều trần tuân thủ theo trát của Quốc hội, bác bỏ tuyên bố từ chính quyền ông Trump rằng các nhân viên này có quyền miễn trừ.

Phán quyết này nhằm trực tiếp vào cựu cố vấn Nhà Trắng Don McGahn, người từ chức hồi tháng 10/2018. Ông đã được Hạ viện yêu cầu ra điều trần hồi tháng 5 liên quan tới cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Thẩm phán Jackson nhấn mạnh rằng: “Không một ai được đứng trên luật pháp”.

“Các quan chức thuộc nhánh hành pháp không hoàn toàn được miễn trừ khỏi các quy trình bắt buộc từ quốc hội, ngay cả khi tổng thống chỉ đạo những quan chức này không được hợp tác”, bà Jackson nói, nhấn mạnh rằng tổng thống “không có quyền” ngăn cản các trợ lý tuân thủ trát của Quốc hội.

“Các tổng thống không phải là vua. Không một ai, kể cả người đứng đầu nhánh hành pháp, được phép ở trên luật pháp”, bà Jackson nói thêm.

Tuy nhiên, thẩm phán Jackson cho biết ông McGahn có thể kích hoạt đặc quyền hành pháp “khi thích hợp” trong trường hợp muốn bảo vệ thông tin nhạy cảm.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler cho biết ông kỳ vọng ông McGahn sẽ “làm theo trách nhiệm pháp lý và xuất hiện trước Ủy ban”.

Thẩm phán Mỹ: Các tổng thống không phải là vua - 2

Ông Don McGahn (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, phán quyết của bà Jackson không chỉ áp dụng cho ông McGahn, mà nó cũng áp dụng cho toàn bộ những nhân viên Nhà Trắng được Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát yêu cầu ra điều trần liên quan tới cuộc điều tra luận tội ông Trump với nghi án gây áp lực buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị.

Trước đó, chính quyền ông Trump đã từ chối hợp tác với cuộc điều tra của Hạ viện, yêu cầu các quan chức/cựu quan chức phớt lờ các trát triệu tập lấy lời khai và điều trần từ cơ quan lập pháp.

Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố họ sẽ phản đối phán quyết của thẩm phán Jackson.

Tuyên bố ngày 25/11 của bà Jackson có thể có tác động tới những người tham gia phiên điều trần ở Quốc hội. Phe Dân chủ có thể sử dụng phán quyết này để triệu tập các nhân vật quan trọng có liên quan tới ông Trump và cuộc điều tra luận tội mà Hạ viện đang tiến hành, như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hay Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Hiện cuộc điều tra luận tội ông Trump đã tạm hoàn tất các phiên lấy lời khai kín và điều trần công khai. Phía các ủy ban Hạ viện điều tra vụ việc sẽ sớm gửi báo cáo lên Ủy ban Tư pháp, để bộ phận này soạn thảo các điều khoản luận tội ông Trump.

Đức Hoàng

Theo BBC