1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh cãi nảy lửa thuyết âm mưu ông Trump "sắp được phục chức"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhiều tranh cãi đã nổ ra sau khi xuất hiện thuyết âm mưu cựu Tổng thống Donald Trump "sẽ được phục chức vào tháng 8" sau cuộc bầu cử thất bại vào năm ngoái.

Tranh cãi nảy lửa thuyết âm mưu ông Trump sắp được phục chức - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Thuyết âm mưu mới nhất do nhóm cực hữu QAnon lan truyền tuyên bố rằng, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ phục chức cho cựu Tổng thống Donald Trump, bất chấp thực tế ông đã thua trong cuộc bầu cử gần 7 tháng trước và không thành công trong cuộc chiến pháp lý gay gắt kể từ sau ngày bầu cử.

Những thuyết âm mưu kiểu này đã xuất hiện trên các hãng truyền thông bảo thủ ở Mỹ nhiều tháng qua, mặc dù nó không dựa trên bất cứ điều khoản hiến pháp hay khung pháp lý nào. Trong khi cơ sở của giả thuyết "ông Trump phục chức vào tháng 8" cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, giả thuyết này vẫn thu hút sự chú ý của dư luận.

Giả thuyết ông Trump được phục chức do Mike Lindell, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty sản xuất gối MyPillow và là một đồng minh trung thành của ông Trump, khởi xướng.

Lindell từng gặp rắc rối pháp lý vì những tuyên bố được cho là sai sự thật của ông về hệ thống máy bỏ phiếu Dominion trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên Lindell vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố không được kiểm chứng về cuộc bầu cử, đồng thời là người đứng sau thuyết âm mưu mới nhất, lan truyền giả thuyết này trên các phương tiện truyền thông thân Trump.

Lindell lần đầu tiên dự đoán "ông Trump sẽ được phục chức vào tháng 8" trên podcast "War Room" của Steve Bannon hồi tháng 3.

"Những gì tôi đang nói đến, Steve (Bannon), là những gì tôi đã làm kể từ ngày 9/1. Tất cả bằng chứng tôi có, mọi thứ sẽ đưa ra trước Tòa án Tối cao và cuộc bầu cử năm 2020 sẽ trôi vào dĩ vãng", Lindell nói, đồng thời cáo buộc các quốc gia khác đã đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Dự đoán của Lindell dựa trên một giả định rằng, Tòa án Tối cao sẽ bị thuyết phục bởi bằng chứng tố "gian lận bầu cử có chủ đích" của ông và bằng cách nào đó sẽ đưa ra phán quyết khẳng định đương kim Tổng thống Joe Biden đã chiến thắng bất hợp pháp và ấn định ngày nhậm chức mới cho cựu Tổng thống Donald Trump.

Sidney Powell, luật sư đã đệ trình hàng chục đơn kiện liên quan đến kết quả bầu cử và thúc đẩy các thuyết âm mưu "kỳ lạ" về việc máy bỏ phiếu bị tấn công, đã lan truyền giả thuyết "ông Trump được phục chức" tại một hội nghị của những người ủng hộ QAnon ở Dallas vào cuối tuần qua.

Công ty cung cấp hệ thống bỏ phiếu Dominion đã nộp đơn kiện nhằm vào cả Lindell và Powell với cáo buộc vu khống.

Cũng tại hội nghị đó, Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, đã đi xa hơn khi ngụ ý rằng Mỹ nên có một "cuộc đảo chính quân sự", tương tự như ở Myanmar, để đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Phóng viên Maggie Haberman của báo New York Times ngày 1/6 cho biết, ông Trump đã nói với các đồng minh rằng ông vẫn hy vọng được phục chức vào tháng 8. Bà Haberman cho biết, ông Trump vẫn nỗ lực tìm cách để đề nghị thanh tra lại kết quả bầu cử tại một số bang.

Cơ hội trong mơ

Tranh cãi nảy lửa thuyết âm mưu ông Trump sắp được phục chức - 2

Tổng thống Joe Biden trong lễ nhậm chức hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters).

Tháng 8 dường như là thời điểm Lindell nghĩ rằng ông sẽ có bằng chứng thực sự nhằm buộc Tòa án Tối cao đảo ngược kết quả bầu cử. Nhưng cả Lindell và Powell dường như đang che giấu sự thật với những người ủng hộ họ.

Dựa trên lịch sử các vụ kiện gần đây, cơ hội thắng kiện của Lindell dường như không cao. Đội ngũ pháp lý của ông Trump đã gửi hàng chục đơn kiện với hy vọng đảo ngược kết quả bầu cử, nhưng bất thành.

Tháng 12 năm ngoái, Tòa án Tối cao đã từ chối xét xử một vụ kiện do Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas, đệ trình, đề nghị tòa án hủy bỏ các chiến thắng của ông Biden ở 4 bang chiến trường và yêu cầu các cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa kiểm soát chỉ định đại cử tri thay thế.

Không rõ Lindell cho rằng Tòa án Tối cao sẽ triển khai quy trình xét xử như thế nào ở thời điểm hiện tại, khi cuộc bầu cử tổng thống đã trôi qua gần 7 tháng. Tuy nhiên theo Hiến pháp Mỹ, không có cơ chế nào để Tòa án Tối cao lật ngược cuộc bầu cử tổng thống.

Kết quả bỏ phiếu đại cử tri vào tháng 12 năm ngoái đã xác nhận chiến thắng của ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden. Sau đó, quốc hội cũng đã xác nhận kết quả này, trước khi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1.

Sau khi một tổng thống đã tuyên thệ nhậm chức, cơ chế duy nhất để phế truất tổng thống là thông qua luận tội. Hiến pháp Mỹ quy định một ứng viên chỉ có thể trở thành tổng thống thông qua bầu cử hoặc thông qua quy trình kế nhiệm nếu tổng thống đương nhiệm bị luận tội, qua đời, từ chức hoặc không đủ năng lực để thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình.

Ngay cả trong trường hợp Lindell lật tẩy một âm mưu "khổng lồ" nhằm dàn dựng cuộc bầu cử, quốc hội chỉ có thể phế truất ông Biden vì những tội danh mà ông đã phạm phải khi đương nhiệm, chứ không phải vì những thuyết âm mưu mơ hồ.

Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn tính bằng ngày. Do vậy, có lẽ ông hiểu rằng, trong trường hợp tổng thống đương nhiệm Joe Biden bị luận tội và bị phế truất, người sẽ lên thay thế và trở thành tổng thống kế nhiệm là Phó Tổng thống Kamala Harris, chứ không phải cựu Tổng thống Donald Trump.