Chuyện điều trần luận tội Tổng thống Mỹ - Xét dễ, xử khó
Cuộc điều trần công khai nhằm luận tội Tổng thống Mỹ có chiều hướng phức tạp. Phe đảng Dân chủ đang toan tính gì? Ông Trump sẽ hành xử ra sao?
Toàn bộ vụ việc trong thực chất chỉ xoay quanh một cụm từ là "Quid pro quo", tạm dịch là “có đi có lại” với hàm ý phải làm việc gì đấy cho người khác để nhận về được từ người khác cái gì đấy. Cụ thể trong chuyện này là Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải tiến hành điều tra về cha con ông Joe Biden để đổi lấy 391 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ. Nếu sự thật đúng là như vậy thì ông Trump đã phạm pháp ở Mỹ.
Luận tội thì dễ, kết tội thì khó
Kết quả những phiên điều trần công khai được uỷ ban tình báo Hạ viện Mỹ tiến hành với một số cộng sự của ông Trump đến nay đã cho thấy là có chuyện "Quid pro quo" thật nhưng không phải là lời nói của ông Trump. Kết quả cũng còn cho thấy là còn nhiều nhân vật chóp bu khác nữa trong trật tự quyền lực của ông Trump biết và liên quan đến chuyện "Quid pro quo" này, trong đó đặc biệt là phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo hay cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Chỉ như thế thôi đã đủ để phe Đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ có thể chính thức bắt đầu quá trình quốc hội luận tội phế truất ông Trump. Chứng cứ như vậy đã đủ và rõ ràng. Nhưng xét thì dễ mà xử thì lại khó, luận tội thì dễ mà kết tội thì lại khó bởi kết cục cuối cùng của câu chuyện phế truất ông Trump này phụ thuộc vào Thượng viện mà ở đó, phe Đảng Cộng hoà của ông Trump chiếm đa số.
Phe Đảng Cộng hoà hiện tại không những chỉ chống phá quyết liệt việc phía Đảng Dân chủ thúc đẩy quá trình luận tội và phế truất ông Trump mà còn kiên quyết bảo vệ ông Trump, đơn giản bởi nếu không thì "Trạng chết, Chúa cũng băng hà". Những cử tri bỏ phiếu bầu ông Trump cũng là những cử tri giúp các ứng cử viên của đảng này trở thành hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ trong cuộc bầu cử quốc hội năm tới ở Mỹ.
Đảng này chỉ thôi bám giữ vào ông Trump và chỉ sẽ buông bỏ ông Trump khi diện cử tri truyền thống này quay lưng lại với ông Trump - như đã xảy ra với Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1973/1974. Chừng nào chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra kịch bản này, chừng đó phe Đảng Cộng hoà sẽ còn công cụ hoá những biện luận chính là không hề có "Quid pro quo", những người được yêu cầu ra điều trần đều không phải fan hâm mộ ông Trump, không ai tiếp xúc trực tiếp với ông Trump, không ai trao đổi trực tiếp với ông Trump mà chỉ nghe biết qua người khác...
Phe Đảng Dân chủ bây giờ ở trước hai sự lựa chọn. Thứ nhất là nhanh chóng kết thúc chuyện luận tội phế truất tổng thống này bằng cách dùng đa số hiện có trong Hạ viện để quyết định chính thức luận tội phế truất ông Trump, nhưng với nhận thức và trù liệu rằng Thượng viện rồi sẽ không phế truất ông Trump.
Thứ hai là tiếp tục phanh phui vụ việc này và đòi những nhân vật cỡ bự hơn trong bộ máy quyền lực của ông Trump ra điều trần, làm như vậy dẫu không phế truất được ông Trump thì cũng sẽ khiến một số nhân vật ấy mất chức.
Mưu tính của phe Đảng Dân chủ ở đây là dẫu không phế truất được ông Trump thì cũng làm mai một triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump, cụ thể là nhằm vào diện cử tri vốn trung dung không thuộc khối cử tri truyền thống của Đảng Cộng hoà nhưng đã giúp ông Trump đắc cử năm 2016. Chỉ cần bộ phận cử tri này không tiếp tục bỏ phiếu cho ông Trump nữa thì ông Trump không thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ.
Cần sự bình yên về đối ngoại
Lúc đầu, việc phe Đảng Dân chủ khơi dậy chuyện luận tội và phế truất tổng thống tạo thuận lợi cho phía Đảng Cộng hoà. Nhưng sau những cuộc điều trần cho tới nay với kết quả như trên thì tình thế đã bắt đầu trở nên khó khăn và phức tạp đối với phe Đảng Cộng hoà bởi sách lược “công cụ hoá” chuyện luận tội và phế truất tổng thống đã bắt đầu lợi bất cập hại và còn có thể tác động như gậy ông đập lưng ông. Bởi thế, phe này rồi đây sẽ phải nhanh chóng thay đổi sách lược và kỳ vọng vào việc xảy ra đột biến mới có lợi cho mình trong thời gian tới.
Ở vào thời điểm hiện tại mà nhìn nhận thì vị thế quyền lực của ông Trump vẫn rất vững vàng, nhưng tình thế đã trở nên thêm rắc rối và khó xử, rủi ro và nguy hiểm thêm tiềm tàng. Ông Trump buộc phải tập trung nhiều hơn và hàng đầu cho xử lý mọi chuyện nội bộ nên vì thế cần sự yên bình về đối ngoại.
Chừng nào chuyện luận tội phế truất tổng thống ở Mỹ chỉ tiếp tục diễn biến mà không có đột biến mới thì chừng đấy ông Trump sẽ không có quyết sách bất ngờ mới cả về đối nội cũng như đối ngoại bởi cứ tiếp tục như hiện tại cũng đủ đối với ông Trump và bởi người này phải dự trữ con chủ bài cho đối phó với đột biến và cho giai đoạn quyết định của cuộc vận động tranh cử.
Theo Dịch Dung
Thế giới & Việt Nam