1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan phát triển vắc xin Covid-19 "giá phải chăng" cho Đông Nam Á

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Thái Lan đang đặt mục tiêu phát triển vắc xin Covid-19 với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan phát triển vắc xin Covid-19 giá phải chăng cho Đông Nam Á - 1

Kỹ thuật viên tại Trung tâm Nghiên cứu Vắc xin Chula ở Bangkok ngày 25/5. (Ảnh: EPA-EFE)

Chính phủ Thái Lan tuần trước đã thông báo kế hoạch triển khai vắc xin Covid-19 vào năm tới, sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm trên chuột.

“Chúng tôi không đặt mục tiêu kiếm tiền. Đây không phải là vấn đề về tiền mà là về khả năng tiếp cận”, Kiat Ruxrungtham, giám đốc chương trình phát triển vắc xin Covid-19 tại Đại học Chulalongkorn, cho biết.

Thái Lan bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên khỉ từ ngày 23/5. Đây là một trong ít nhất 100 loại vắc xin Covid-19 tiềm năng đang được nghiên cứu trên toàn thế giới.

Nhóm của Kiat đã hợp tác với các nhà khoa học cũng như các công ty công nghệ sinh học tại Bắc Mỹ và muốn sản xuất hàng loạt vắc xin Covid-19 tại Thái Lan. Theo Reuters, vắc xin này sẽ được bán với mức giá phải chăng tại Thái Lan và các thị trường lân cận như Indonesia, Malaysia, Lào, Việt Nam và Myanmar.

Chỉ ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm và 57 ca tử vong, Thái Lan cho đến nay đã đạt được một số thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế.

Trong 1 tháng qua, Thái Lan hầu như chỉ ghi nhận chưa tới 10 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong khi các nước khác trong khu vực như Singapore, Indonesia và Philippines vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới.

“Nếu những nước láng giềng của chúng tôi vẫn có số ca nhiễm cao, chúng tôi cũng không thể sống sót yên ổn về lâu dài. Vì vậy, đối với một đất nước như chúng tôi, một nước nhỏ, chúng tôi cần đẩy mạnh (phát triển vắc xin) và sau đó tự làm phần việc của mình”, chuyên gia Kiat cho biết.

Công ty Mỹ được quỹ Bill Gates đầu tư thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người

Công ty dược phẩm Novavax có trụ sở tại Maryland, Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người, khởi động quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Khoảng 130 tình nguyện viên Australia sẽ được tiêm vắc xin thử nghiệm và kết quả dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 7, trước khi bước sang giai đoạn 2.

“Việc tiêm vắc xin của chúng tôi vào những người tham gia đầu tiên trong quá trình thử nghiệm lâm sàng là một thành tựu lớn, đưa chúng tôi tiến một bước gần hơn tới việc giải quyết nhu cầu cơ bản về một loại vắc xin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu”, Stanley Erck, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Novavax, cho biết trong thông báo phát đi vào tối 25/5.

“Chúng tôi mong chờ được chia sẻ kết quả thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7 và nếu có triển vọng, sẽ nhanh chóng khởi động giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm”, lãnh đạo Novavax cho biết thêm.

Sáng kiến vắc xin của Novavax đã nhận được khoản đầu tư trị giá 388 triệu USD từ Liên minh vì Đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) - một quỹ về sức khỏe cộng đồng do tỷ phú Bill Gates thiết lập.

Thông qua quỹ Bill and Melinda Gates được thành lập năm 2000, tỷ phú công nghệ Bill Gates và vợ ông đã bày tỏ sự quan tâm tới các cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu, bao gồm việc tài trợ tiền cho việc trị liệu các virus Ebola và Zika và hiện là giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Quỹ Bill Gates đã chi 250 triệu USD để chống lại dịch Covid-19 với hy vọng rằng sẽ sớm tìm được vắc xin.

Novavax không phải công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Mỹ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 trên người. Công ty Moderna tại Massachusetts cũng từng thử nghiệm trên người hồi tháng 4 và ghi nhận các kết quả khả quan. Ít nhất 5 loại vắc xin khác cũng đang được thử nghiệm tại một số nước khác, trong đó 3 loại ở Trung Quốc, 2 loại ở Anh và Nga.

Trên thế giới hiện có hơn 100 vắc xin Covid-19 tiềm năng đang được phát triển, trong đó có vài loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 4 cảnh báo cần ít nhất 12 tháng mới có thể đưa một loại vắc xin vào sử dụng.

Thành Đạt

Theo Reuters, RT