1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Thái Lan lên tiếng sau khi Campuchia nêu đề xuất về vùng tranh chấp

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thái Lan lên tiếng sau khi Campuchia đề nghị đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Thái Lan lên tiếng sau khi Campuchia nêu đề xuất về vùng tranh chấp - 1

Ông Winthai Suvaree, người phát ngôn của Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA) (Ảnh: Nation).

Quân đội Thái Lan bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhằm đưa tranh chấp biên giới ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Thiếu tướng Winthai Suvaree, người phát ngôn của Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA), đã lên tiếng về căng thẳng leo thang dọc biên giới Thái - Campuchia tại khu vực biên giới giữa 2 nước.

Ông làm rõ rằng đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhằm đưa tranh chấp lãnh thổ ra ICJ, vốn dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Ủy ban Phân định Biên giới chung (JBC) vào giữa tháng 6, là vấn đề tách biệt với tình hình thực địa hiện nay.

Mâu thuẫn trên thực địa hiện tại xoay quanh việc hai bên có thể chung sống hòa bình trong khu vực chồng lấn vẫn chưa được cắm mốc phân định rạch ròi, ông nhấn mạnh. 

Ở giai đoạn hạ nhiệt ban đầu, hai bên đã nhất trí rút quân khỏi điểm xung đột trực tiếp và để JBC xử lý các vấn đề pháp lý và phân giới theo các thỏa thuận và khuôn khổ chính thức đã thống nhất.

Thiếu tướng Winthai cho biết trong cuộc gặp ngày 29/5 giữa Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan, Tướng Pana Klaewblaudtuk, và người đồng cấp Campuchia, hai bên đã đạt được ba điểm then chốt: Thứ nhất là rút quân khỏi khu vực xảy ra va chạm; thứ 2 là sử dụng cơ chế JBC để giải quyết mọi vấn đề pháp lý và lãnh thổ; Thứ 3 là phối hợp ngăn chặn xung đột tái diễn theo các biên bản ghi nhớ (MoU) và hiệp ước hiện hành.

Ông nhấn mạnh rằng các “quy tắc ngầm” hiện nay đã giúp hai quốc gia cùng tồn tại trong các vùng chưa phân định ranh giới mà không thay đổi địa hình trên thực tế.

“Ví dụ, các khu vực như chiến hào nằm trong vùng đang được phân giới chung, nơi hai bên đồng thuận không thay đổi địa hình hoặc bố trí vũ khí hạng nặng, đặc biệt là không chĩa vào phía Thái Lan", ông nói.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã kêu gọi triệu tập khẩn cấp JBC nhằm nối lại tiến trình phân giới cắm mốc và giải quyết căng thẳng gia tăng tại các khu vực tranh chấp.

Đồng thời, ông cũng đề xuất đưa các tranh chấp chưa được giải quyết liên quan đến đền lên ICJ, một kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ cả Quốc hội và Thượng viện Campuchia trong phiên họp ngày 2/6.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Campuchia đã yêu cầu mở cuộc điều tra khẩn cấp về vụ đụng độ hôm 28/5 tại khu vực Mom Bei giữa lực lượng vũ trang hai nước, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.

“Tuy nhiên, nếu phía Thái Lan không đồng ý, Campuchia vẫn sẵn sàng đơn phương xúc tiến việc này. Đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn một nhóm nhỏ phần tử cực đoan ở cả hai nước tiếp tục gây căng thẳng và đối đầu", ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với đề xuất của Thủ tướng Hun Manet, cho rằng Biên bản ghi nhớ năm 2000 không hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp, dẫn đến nhiều lần xung đột vũ trang.

“Nếu phía Thái Lan thực sự thiện chí, họ nên cùng đưa vụ việc ra tòa mà không cần để Campuchia đơn phương khiếu nại", ông nói.

Theo Nation