1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan: Khủng hoảng chính trị có chiều hướng căng thẳng

(Dân trí) - Tối qua, lực lượng biểu tình chống chính phủ Thái Lan vốn chiếm giữ khuôn viên văn phòng Thủ tướng suốt 6 tuần qua đã tràn xuống đường, bao vây bên ngoài toà nhà quốc hội và thề sẽ cản trở chính phủ đưa ra tuyên bố chính sách cho các nghị sĩ.

Động thái trên của những người ủng hộ Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) diễn ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Thái Lan bắt giữ nhà lãnh đạo thứ hai của lực lượng này, ông Chamlong Srimuang.

 

Ông Chamlong là một nhà lãnh đạo chủ chốt của PAD, một cựu tướng lĩnh trong quân đội và từng là thị trưởng thủ đô Bangkok, bị bắt với cáo buộc kích động nổi loạn và các tội danh khác. Lãnh đạo nữa của PAD, ông Chaiwat Sinsuwongse, đã bị bắt hai ngày trước đó với cùng tội danh. 

 

Việc ông Chamlong Sirimuang bị bắt lập tức làm tình hình vốn đã căng thẳng lại có chiều hướng diễn biến xấu hơn nữa, vì ông này là nhà tư tưởng, đồng thời là một trong các lãnh tụ chóp bu của phong trào PAD, hiện thân của cánh được nể trọng nhất trong phong trào này. Ông cũng chính là người đã từng bảo trợ cho Thaksin Shinawatra trước khi quay lại chống vị thủ tướng này. 

 

Ngay sau khi bị bắt, ông Chamlong đã kêu gọi PAD tiếp tục biểu tình cũng như chấm dứt cuộc thương lượng hoà bình với chính phủ. 

 

Ý định của PAD

 

"Chúng ta sẽ diễu hành về phía toà nhà Quốc hội, mà chính phủ sử dụng như một công cụ nắm giữ quyền lực”, ông Sirichai Maingam, một trong những thủ lĩnh của PAD, nói trước đám đông biểu tình. Một số khác vẫn ở lại để tiếp tục chiếm giữ Toà nhà Chính phủ.

Những người biểu tình chiếm giữ khuôn viên Văn phòng chính phủ với ý định ở đó cho đến khi Thủ tướng Samak - người mà nhóm này cho là “con rối” của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, từ chức. 

 

Ông Somsak Kosaisuk, một nhà lãnh đạo khác của PAD, thì cho rằng đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) cầm quyền thiếu tính hợp pháp mặt dù đảng này đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái.

 

Ông này đổ lỗi cho hệ thống bầu cử Thái Lan tạo kẽ hở cho hành động mua phiếu, làm gia tăng tình trạng tham nhũng trong chính trị.  Ông cũng nhắc lại rằng thành phần nội các mới thiếu năng lực giải quyết các vấn đề trong nước.

 

Những người ủng hộ PAD tuyên bố ý định không cho các bộ trưởng Nội các vào toà nhà quốc hội.

 

Phản ứng của chính phủ

 

Hiện chính phủ của Thủ tướng Somchai Wongsawat (mới tuyên thệ nhậm chức hôm 25/9) không thể thực thi về mặt pháp lý các quyền hành pháp của mình cho đến khi đưa ra được tuyên bố chính sách.

 

Phát biểu với báo giới trong phản ứng đầu tiên tối qua, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej nói: “Quốc hội là nơi hội họp của các nghị sĩ được bầu trên cả nước. Cấm những đại diện này vào họp là hành động sai trái”.

 

Ông cũng tuyên bố cảnh sát có nhiệm vụ để cuộc họp được diễn ra. “Tôi không phải đưa ra mệnh lệnh nào”, ông nói.

 

Khoảng 300 cảnh sát đã được triển khai quanh toà nhà quốc hội tối qua, nhưng vẫn chưa có hành động ngăn chặn những người biểu tình, có thể lên đến vài nghìn, đang phong toả các tuyến đường tới đây và bắt đầu dựng lều bạt.

 

Cảnh sát Thái đã cảnh báo trước cho các lãnh đạo phong trào PAD rằng họ sẽ bị bắt nếu họ rời khỏi toà nhà chính phủ, nơi họ đang chiếm đóng cùng những người biểu tình.

 

Trà Giang

Tổng hợp báo Thái Lan

Dòng sự kiện: Chính trị Thái Lan