1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan: Hòa đàm giữa quân đội và các đảng chính trị kết thúc bế tắc

(Dân trí) - Các cuộc đàm phán được quân đội Thái Lan triệu tập ngày 21/5 giữa các đảng phái chính trị đối lập, chính phủ và cả các lãnh đạo nhóm biểu tình đã không đạt được bước đột phá nào ngoài việc các bên đồng ý sớm chấm dứt khủng hoảng.

Tướng Prayut Chan-O-Cha (giữa) tới tham dự cuộc đối thoại
Tướng Prayut Chan-O-Cha (giữa) tới tham dự cuộc đối thoại

Lãnh đạo của hai phe biểu tình ủng hộ và chống đối chính phủ cùng các quan chức cấp cao khác đã có cuộc đối thoại kéo dài hơn 2 giờ, trong tình trạng an ninh thắt chặt tại Bangkok. Bầu không khí được một người ủng hộ chính phủ qua bầu cử miêu tả là “tốt”.

Dù vậy, đã không có bước đột phá nào được đưa ra tại các cuộc đối thoại do tướng Prayut Chan-O-Cha, người đã ban bố tình trạng thiết quân luật hôm thứ Ba, chủ trì.

“Mọi người đều đồng ý cân nhắc các đề xuất của các bên còn lại để tìm một giải pháp chung cho đất nước chúng ta”, người phát ngôn của quân đội Sirichan Ngathong khẳng định, và cho biết thêm 40 người đã dự buổi đối thoại. “Đây là lần đầu tiên họ trực tiếp đối thoại với nhau”.

Prayut đã triệu tập các bên lại trong bối cảnh cộng đồng quốc tế, mà dẫn đầu là Mỹ, đang gây áp lực ngày một lớn trong việc đưa chính quyền dân sự trở lại nắm quyền tại Thái Lan.

“Bầu không khí tại buổi họp khá tốt. Ít nhất chúng tôi đã có cơ hội để nói chuyện với nhau”, Thida Thavornseth, một lãnh đạo chủ chốt của phong trào “Áo đỏ”, ủng hộ chính phủ hiện tại khẳng định với AFP. Dù vậy bà cho biết thêm “tôi không biết liệu chúng tôi có thể đạt được thứ gì đó vững chắc vào ngày mai hay không”.

Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan, người thay thế bà Yingluck Shinawatra sau một phán quyết tranh cãi của Tòa hiến pháp, đã không tham dự buổi họp nhưng 5 bộ trưởng trong nội các của chính phủ tạm quyền đã góp mặt.

Hiện chính phủ muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 3/8, nhưng phe đối lập muốn thực hiện những cải cách có phần mơ hồ mà họ đưa ra trước, nhằm loại trừ cái gọi là “chế độ” của vị cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Thanh Tùng
Theo AFP